Phải phân cấp mạnh cho bộ, ngành, địa phương

Theo kế hoạch, ngày 13/6/2019, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), song hiện chưa có quyết định cuối cùng về thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn. “Phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm. Theo tôi, phải phân cấp mạnh cho các bộ, ngành, địa phương”, ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách chia sẻ.
Ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Kết quả lấy ý kiến về thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn cho thấy, đại biểu Quốc hội còn phân vân trước việc trao cho Quốc hội hay Chính phủ thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn?

Đại biểu Quốc hội phân vân vì cả 2 phương án đều có những ưu điểm và hạn chế.

Cụ thể, đối với phương án giao Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn (bao gồm: tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án), cả giai đoạn 5 năm có khoảng 10.000 dự án đầu tư công, trong khi Quốc hội họp một năm có 2 kỳ, nên việc hoàn chỉnh danh mục và phân bổ vốn trung hạn khó hoàn tất. Trên thực tế, Quốc hội không có đủ thời gian để phân bổ chính xác nguồn vốn tới từng dự án, cũng không thể biết chính xác dự án nào cấp bách, cần thiết để ưu tiên vốn đầu tư trước. Vì vậy, có tới gần 35,95% số đại biểu không đồng tình giao Quốc hội thẩm quyền này, số đại biểu đồng ý cũng chỉ được 48,35%.

Với phương án giao thẩm quyền cho Chính phủ, Quốc hội chỉ quyết định tổng mức; kế hoạch đầu tư công trung hạn; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án trên cơ sở căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư đã được Quốc hội thông qua. Phương án này có ưu điểm là tạo điều kiện cho Chính phủ linh hoạt trong triển khai dự án, bố trí vốn, điều chuyển vốn, bổ sung danh mục dự án cần thiết, cấp bách, cũng như cắt giảm vốn đối với dự án thấy không còn thực sự cần thiết. Việc này sẽ góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, phương án trên cũng chỉ nhận được 42,56% số đại biểu Quốc hội đồng ý và có tới 42,15% số đại biểu không tán thành. Lý do là, danh mục, mức vốn đầu tư công là vấn đề quan trọng, liên quan đến phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước rất lớn trong cả giai đoạn 5 năm, có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, nên cần phải được Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo ông, nên chọn phương án nào khả dĩ?

Theo tôi, phương án khả dĩ là Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm những nội dung quan trọng như tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công. Riêng về danh mục, Quốc hội chỉ quyết định danh mục dự án thuộc ngân sách trung ương, còn các dự án thuộc địa phương, kể cả dự án được ngân sách trung ương hỗ trợ vốn, nên giao HĐND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở cân đối được nguồn vốn.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách trung ương trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Quy định này vừa bảo đảm vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, vừa bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng nào cũng họp, nên việc điều chỉnh danh mục, vốn đầu tư đối với từng dự án không mất nhiều thời gian.

Thực tế đang thực hiện theo phương án là Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách trung ương trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, nhưng không năm nào hoàn thành kế hoạch giải ngân, thưa ông?

Tôi cho rằng, phương án tối ưu để khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm là Quốc hội chỉ nên quyết định tổng mức đầu tư, dự án quan trọng quốc gia; danh mục dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; giao Thủ tướng Chính phủ quyết định dự án liên quan đến an ninh, quốc phòng, dự án có tác động, ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng nhiều đất đai. Còn lại phân cấp mạnh cho các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cho bộ, ngành, địa phương được chủ động trong việc xây dựng dự án, điều chuyển vốn giữa các dự án...

Trên thực tế, giao thẩm quyền cho Quốc hội, Chính phủ hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì các cơ quan này cũng quyết định trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, vì các cơ quan này không thể biết được dự án nào đó có cần thiết đầu tư hay không, có cấp bách không, cần đầu tư bao nhiêu tiền…

Nhưng phân cấp, phân quyền dễ dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải, nảy sinh cơ chế xin - cho?

Phân cấp, phân quyền phải gắn chặt với trách nhiệm, đồng thời phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát nhằm tránh lợi dụng để đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, Quốc hội phải ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đối với từng ngành, từng lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương; nguyên tắc phân bổ vốn cụ thể, chi tiết; nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn…

Căn cứ vào các nguyên tắc, tiêu chí này, từng bộ, ngành, địa phương biết được trong giai đoạn 5 năm có bao nhiêu tiền, được đầu tư vào lĩnh vực nào, thứ tự ưu tiên vốn ra sao, chứ không phải muốn đầu tư vào đâu cũng được.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục