Quốc hội thảo luận kế hoạch đầu tư công trung hạn: Vốn đầu tư công không thiếu

Hôm nay (3/6), Quốc hội thảo luận về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. TS. Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, vốn đầu tư công hoàn toàn đủ, thậm chí còn… thừa.
Quốc hội thảo luận kế hoạch đầu tư công trung hạn: Vốn đầu tư công không thiếu

Chính phủ đề nghị bổ sung dự án mới vào danh mục Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, ông có đồng tình với đề xuất này?

Hiện đã là đầu tháng 6/2019, như vậy chỉ còn khoảng 18 tháng nữa là kết thúc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, bây giờ Chính phủ mới đề nghị bổ sung dự án mới, có thể nói là đã bị muộn. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội không “quyết” ngay thì không kịp thời gian để hoàn thành các dự án này trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tất cả các dự án Chính phủ đề nghị bổ sung đều là những dự án quan trọng, cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của một bộ phận dân cư tại nhiều vùng khác nhau. Đó là những dự án khắc phục sự cố thiên tai, bão lũ, hạn hán, nước biển dâng, sạt lở đất, ứng phó với biến đổi khí hậu; dự án thúc đẩy liên kết vùng miền, tạo động lực phát triển kinh tế; dự án hỗ trợ đầu tư vùng miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Vì vậy, tôi đồng tình với quan điểm cần phải bổ sung dự án mới sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 ngay tại kỳ họp này.

Quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng Chính phủ đề nghị giao cho Chính phủ tự quyết định danh mục và tự chịu trách nhiệm về việc phân bổ vốn. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Đúng là thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm thuộc Quốc hội, nhưng Quốc hội không trực tiếp quyết định danh mục thì có thể ra nghị quyết ủy quyền cho Chính phủ quyết định cũng hoàn toàn đúng pháp luật. Khi thời gian triển khai kế hoạch đầu tư công giai doạn 2016 - 2020 còn rất ít, theo tôi, Quốc hội nên ủy quyền cho Chính phủ quyết định danh mục và chịu trách nhiệm về việc phân bổ trên nguyên tắc đảm bảo cân đối nguồn vốn, bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và quan trọng là Chính phủ phải bảo đảm không để nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư hiệu quả và phải báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020).

Nếu Quốc hội không ủy quyền cho Chính phủ thì phải đến kỳ họp cuối năm nay (Kỳ họp thứ 8), Chính phủ mới trình danh mục, sau khi Quốc hội quyết định danh mục thì 6 tháng đầu năm 2020 chưa chắc đã xong các thủ tục phân bổ nguồn vốn cho từng dự án. Khi phân bổ vốn xong thì đã bắt đầu mùa mưa, việc triển khai công trình dự án gặp khó khăn do thiên nhiên, thời tiết. Như vậy, chắc chắn các dự án cấp bách, cần thiết mà Chính phủ đề nghị phải làm ngay không thể hoàn thành đúng tiến độ.

Chính phủ đề nghị bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 293 dự án với tổng vốn khoảng 15.478 tỷ đồng. Như vậy, vốn bình quân mỗi dự án chưa đến 53 tỷ đồng - quá nhỏ để Quốc hội phải dành thời gian xem xét, quyết định có bổ sung vào danh mục không. Vì vậy, theo tôi, Quốc hội nên ủy quyền cho Chính phủ quyết định bổ sung dự án đầu tư công trung hạn.

Nhưng vấn đề là số tiền 15.478 tỷ đồng không phải là nhỏ để có thể cân đối trong năm 2019 và 2020, thưa ông?

Tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội ấn định là không thay đổi, dù có giao cho Chính phủ bổ sung dự án mới. Vì thế, khi đề xuất bổ sung 293 dự án, chắc chắn Chính phủ đã cân đối đủ nguồn vốn.

Vậy nguồn vốn ở đâu? Đó chính là vốn từ các dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn nhưng không triển khai được bị cắt giảm. Các bộ, ngành, địa phương đã được giao danh mục dự án và tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn phải tự rà soát, cắt giảm với những dự án chậm triển khai và điều chuyển vốn cho các dự án được bổ sung của chính bộ, ngành, địa phương mình.

Tổng nguồn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 còn thiếu 155.050 tỷ đồng. Ông có lo “vỡ kế hoạch” do thiếu vốn không?

Số tiền dự kiến thiếu hụt này tôi nghĩ đã có sẵn.

Thứ nhất, thu ngân sách nhà nước năm nào cũng thu vượt dự toán, như năm 2018 thu vượt dự toán tới 105.700 tỷ đồng (tương đương 8%). Số tiền vượt dự toán này, ngoài sử dụng giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bổ sung nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương…, nên dành ra một phần để tăng chi đầu tư theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Thứ hai, kể từ năm 2015 trở lại đây, năm nào giải ngân vốn đầu tư công cũng không đạt kế hoạch, phải chuyển nguồn sang năm sau. Riêng năm 2018, vốn đầu tư không giải ngân hết phải chuyển nguồn sang năm 2019 là 93.600 tỷ đồng. Nếu tính cả số chi chuyển nguồn qua các năm chưa chi được và số tăng thu từ đất đai và xổ số kiến thiết phải chuyển nguồn, thì con số này còn lớn hơn rất nhiều.

Thứ ba là theo quy định, các dự án đầu tư phải dự phòng 10%. Nguồn dự phòng không sử dụng hết còn tồn dư khá lớn.

Thứ tư là theo quy định, tất cả các công trình, dự án phải dành 5% tổng mức đầu tư để bảo hành, bảo trì. Rất nhiều dự án, công trình không sử dụng hoặc sử dụng không hết số tiền bảo hành, bảo trì, nên nguồn này cũng không hề ít.

Và  nguồn cuối cùng chính là nguồn vốn chưa sử dụng đến của Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo Nghị quyết 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, thì tổng nguồn vốn thực hiện dự án này là 118.716 tỷ đồng, trong đó, sử dụng ngân sách nhà nước 55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Số tiền 55.000 tỷ đồng đã có, nhưng đến thời điểm này “tiền vẫn còn nguyên trong két”, thậm chí đến hết năm 2020, tức là kết thúc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này, cũng chỉ tiêu hết một phần rất nhỏ. Như vậy, số tiền dự kiến còn thiếu chỉ vào khoảng 100.000 tỷ đồng, chứ không phải là 155.050 tỷ đồng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục