Phải giúp thị trường BĐS “vỗ bằng hai tay”

(ĐTCK) Thị trường bất động sản tuy được đánh giá sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng nếu Nhà nước, các bộ, ngành và doanh nghiệp cùng vào cuộc, chắc chắn thị trường này sẽ phục hồi và phát triển bền vững.
Phải giúp thị trường BĐS “vỗ bằng hai tay”

Sáng nay (9/5), Báo Đầu tư đã tổ chức buổi Tọa đàm “Khả năng hồi phục của thị trường bất động sản”. Phát biểu tại buổi tọa đàm, đa số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đều cho biết, thị trường vẫn đang còn khó khăn, nhưng cũng đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực. Nếu Nhà nước, các bộ, ngành và doanh nghiệp cùng nhau vào cuộc một cách đồng bộ và dứt khoát, chắc chắn thị trường này sẽ hồi phục trở lại và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.

 Phải giúp thị trường BĐS “vỗ bằng hai tay” ảnh 1

Không thể để bất động sản “rơi tự do”

Đánh giá về việc có nên cứu hay không cứu thị trường bất động sản, đa số đều cho rằng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nhất thiết phải cứu. Thị trường bất động sản liên quan đến hàng trăm ngành, nghề khác của nền kinh tế, nếu để bất động sản “rơi tự do”, nó sẽ tạo hệ lụy lớn cho nền kinh tế.

Đồng ý quan điểm này, PGS. TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách phát triển cho rằng, bất động sản đóng góp lớn cho GDP và liên quan tới nhiều lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau, vì vậy, nói đến cứu bất động sản, phải có cái nhìn toàn cục, vì lợi ích quốc gia chứ không phải vì nhóm này, nhóm kia, hay doanh nghiệp này, doanh nghiệp khác.

PGS. TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cũng cho biết, cần thiết phải cứu thị trường bất động sản và Nhà nước phải là người giải cứu chính. Theo ông Lược, sự khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính là do thể chế, vì vậy, Nhà nước phải xây dựng các chính sách, thiết lập một thể chế thị trường cho thị trường bất động sản. Nếu không làm hoặc không làm tốt, thì thị trường bất động sản sẽ vô vọng.

Trong khi đó, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay vận hành mang đầy đủ tính chất của một nền kinh tế chuyển đổi. Tuy nhiên, hiện nay thị trường có một nghịch lý là thừa cả cung và cầu. Trong khi lượng hàng tồn kho căn hộ cao cấp tăng cao, dẫn đến nợ xấu liên quan tới bất động sản tăng cao, thì phần lớn người dân lao động có nhu cầu về nhà ở giá rẻ lại thiếu cung. Nguyên nhân chính là do việc phát triển thiếu cân xứng ở các phân khúc. Vì vậy, để thị trường bất động sản vận hành tốt, cần phải có bàn tay của Nhà nước. Không riêng thị trường bất động sản, các thị trường khác cũng như thế, việc có sự can thiệp của Nhà nước sẽ giúp thị trường “vỗ tay bằng 2 tay”.

“Tôi cho rằng, các nội dung, chính sách trong Nghị quyết 02 của Chính phủ đưa ra là phù hợp, đủ liều lượng, nhằm hỗ trợ nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng”, GS. Võ đánh giá.

 

Đến 2020, thị trường sẽ phát triển bền vững

TS. Hiếu dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cho biết, dự nơ trong hệ thống ngân hàng là 2,7 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 6%, trong đó nợ xấu có tài sản thế chấp là bất động sản chiếm 58%, tức vào khoảng 250.000 tỷ đồng, trong khi đó, hàng tồn kho bất động sản hiện là khoảng 140.000 tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu bất động sản gần như nằm hết ở lượng hàng tồn kho này. Do đó, giải quyết hàng tồn kho sẽ tháo gỡ được nợ xấu.

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết, lượng hàng tồn kho trên là tại thời điểm Bộ Xây dựng giải trình tại Quốc hội, hiện theo báo cáo và cập nhật mới, thì lượng tồn kho còn tăng cao hơn, trong đó, tồn kho căn hộ chung cư tăng 20%, khoảng hơn 7.000 căn hộ; tồn kho đất nền tăng 3% (thêm hơn 1 triệu m2); đất nền thương mại khác cũng tăng, duy chỉ có nhà ở thấp tầng là có tồn kho giảm.

Trong năm 2012, cả nước có hơn 3.365 dự án, nhưng sau rà soát của các địa phương, mới chỉ có cao nhất là 400 dự án dừng triển khai, đây là một con số quá nhỏ. Vì vậy, Bộ Xây dựng đang yêu cầu rà soát lại tất cả các dự án để phân loại, nhằm giảm lượng cung.

Đánh giá về triển vọng của thị trường trong thời gian tới, TS. Hiếu cho biết, hiện thị trường chưa chạm đáy, có thể đáy của thị trường bất động sản sẽ xuất hiện vào cuối năm nay. Nếu Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thị trường, các ngân hàng xây dựng gói tín dụng cho bất động sản hợp lý, thì thị trường sẽ phục hồi trở lại vào năm 2014, nếu không phải mất 2 đến 3 năm nữa, thị trường mới phục hồi.

Theo ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thị trường bất động sản có thể chia làm 3 thời kỳ là đóng băng, phá băng và phục hồi. Giai đoạn đóng băng thường kéo dài 2 - 3 năm, giai đoạn phá băng là 3 – 5 năm. Hiện thị trường bất động sản Việt Nam đã qua giai đoạn đóng băng và đang nằm ở giữa thời kỳ phá băng và giải quyết nợ xấu. Khoảng 3 năm nữa, thị trường mới có thể phục hồi và phải qua năm 2020, thị trường mới phát triển bền vững. Khi đó, giá bất động sản mới được định giá đúng thực tế và người dân sẽ tin tưởng vào các thông tin, định giá bất động sản.

Ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Công ty Savills Việt Nam, cho biết, hiện thị trường vẫn đang trong giai đoạn đi xuống, nhưng tín hiệu trong 2 quý gần nhất (quý IV/2012 và quý I/2013) đã có tích cực hơn, khi lượng giao dịch tăng, nhiều người có nhu cầu ở thật quyết định mua nhà. Theo nghiên cứu của Savills, những dự án có mức chênh lệch diện tích giữa các căn hộ càng lớn, thì mức tiêu thụ càng kém, trong khi đó, những dự án có diện tích nhỏ, xa trung tâm lại tiêu thụ rất tốt, nhiều dự án bán hết hàng.

Ông Trung cũng đánh giá, tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam hiện vẫn rất lớn, dân số cao, nhu cầu nhà ở vẫn tăng, lượng cầu tiềm năng từ người nước ngoài và Việt kiều, tìm năng bất động sản du lịch vẫn chưa được khai thác hết, diện tích mặt bằng bán lẻ trên đầu người so với các nước vẫn ở mức rất thấp. Vì vậy, vẫn còn nhiều “đất” cho các doanh nghiệp địa ốc phát triển.

Trần Lê
Trần Lê

Tin cùng chuyên mục