“Phải có một ngành tư pháp có trách nhiệm”

(ĐTCK) Theo TS. Lê Đăng Doanh, nếu không có một ngành tư pháp có trách nhiệm, sẽ không thể tạo ra môi trường kinh doanh tốt.
Vụ án Huyền Như có hệ quả tàn phá rất nghiêm trọng đối với môi trường kinh doanh Vụ án Huyền Như có hệ quả tàn phá rất nghiêm trọng đối với môi trường kinh doanh

Tại Hội thảo “Luật thi hành án dân sự - góc nhìn từ doanh nghiêp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Bộ Tư pháp vừa tổ chức, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cùng các đại biểu khác đã có nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. 

Luật Thi hành án dân sự chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, đã có những tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, sắc luật này cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, như chưa tạo được sự gắn kết giữa hoạt động xét xử và thi hành án dân sự; Tòa án chưa chịu trách nhiệm đến cùng trong thi hành các bản án, quyết định của mình; vẫn còn tình trạng án tuyên không rõ nhưng Tòa án chưa kịp thời giải thích, ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án; trình tự thủ tục còn phức tạp, kéo dài…

Điều này đã được thể hiện qua con số báo cáo của Tổng cục Thi hành án, khi thời gian trung bình để thực hiện thi hành án còn kéo dài, thường trên 100 ngày, trong khi tỷ lệ thành công đạt thấp, chỉ 20 - 30%. Cụ thể, tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM, thời gian để thi hành án cũng lên tới 112 và 148 ngày, tỷ lệ thành công chỉ đạt tương ứng 36% và 28%. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi. bổ sung Luật Thi hành án dân sự để giải quyết những hạn chế, tồn tại và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay.

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, ông Doanh cho rằng, an ninh của một quốc gia là một yếu tố quan trọng, có tầm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, và muốn như thế thì phải có luật pháp, có tư pháp. Dẫn ví dụ về việc xét xử vụ án Huyền Như vừa qua, ông Doanh bày tỏ quan ngại về tác động của kết quả phiên xét xử này tới môi trường kinh doanh.

“Kết luận của Tòa án trong vụ việc này, VietinBank không có trách nhiệm bồi thường. 4.000 tỷ đồng thất thoát, bị cáo Huyền Như có thể bồi thường được bao nhiêu? Môi trường kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nếu như tư pháp không bảo đảm được rằng, các quy định của pháp luật được xét xử một cách có căn cứ, minh bạch, công bằng”, ông Doanh nói.

Thực tế, khảo sát mới nhất của Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho thấy, môi trường đầu tư của Việt Nam đang xấu đi khi nằm trong toàn bộ 5 hạng mục được cho là rủi ro cao khi đầu tư. Trong đó, 66,1% DN Nhật ở Việt Nam được hỏi trả lời rằng, họ lo lắng về thủ tục hành chính phức tạp; trong khi 67,5% băn khoăn hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch.

“Bộ Tư pháp cũng như giới luật sư hãy nỗ lực hơn để có một ngành tư pháp có trách nhiệm hơn, nếu không, sẽ không có một môi trường kinh doanh tốt”, ông Doanh chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, dưới góc nhìn từ một DN, ông Lê Xuân Hiếu đến từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị, nên bỏ Điều 90 Luật Thi hành dân sự 2008 quy định về kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố. Theo ông Hiếu, khi chấp hành viên thi hành bản án, bảo vệ cho một quan hệ pháp luật, cũng đồng nghĩa với việc đang xâm hại đến một quan hệ pháp luật khác, mà cụ thể ở đây là các hợp đồng thế chấp với bên thứ ba là ngân hàng.                         

Đại diện cho Ban soạn thảo Dự thảo Luật (sửa đổi), ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, sẽ xem xét cân nhắc để có những điều chỉnh Dự thảo Luật cho phù hợp, để trình lên Chính phủ và đưa ra Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới. Dự kiến, Dự thảo Luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014).              

Huyền Vy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục