Công tác tư pháp còn nhiều hạn chế

(ĐTCK) Ngày 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo công tác của TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và Bộ Tư pháp về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013.
Công tác tư pháp còn nhiều hạn chế

Theo Ủy ban Tư pháp thuộc Quốc hội, năm 2013, Chính phủ, Viện KSND, TAND đã triển khai nhiều biện pháp nhằm cơ bản hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết 37 của Quốc hội, nhưng còn nhiều hạn chế. An ninh trật tự chủ yếu thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, chưa đề cập hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm điều tra khác như hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển, biên phòng. Ngành tư pháp chưa đánh giá nguyên nhân đối với tội phạm trong ngành, các tội phạm có xu hướng gia tăng như tội phạm kinh tế, tham nhũng…

Thảo luận về các báo cáo liên quan công tác tư pháp, các đại biểu đều cho rằng, chưa phản ánh hết thực trạng, đặc biệt là lĩnh vực y tế, hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, tài nguyên khoáng sản. Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, mua bán người, chống người thi hành công vụ đã có chuyển biến, nhưng nhiều lĩnh vực như quản lý nhà nước về đất đai, tài chính, ngân hàng, một số lĩnh vực đầu tư có điều kiện, gian lận trốn thuế, buôn lậu có diễn biến phức tạp. 

Báo cáo cho biết, về tội phạm môi trường, có 85% cơ sở (370 DN trong số hơn 400 DN) gây ô nhiễm nghiêm trọng đã có biện pháp xử lý triệt để, về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu của Nghị quyết 37. Tuy nhiên, đại biểu Phan Xuân Dũng đặt vấn đề, tỷ lệ xử lý tăng cao có phải là do kinh tế khó khăn, DN ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, nên mức độ gây ô nhiễm giảm đi hay là do cơ quan chức năng đã có giải pháp hiệu quả? Cần phân tích rõ điểm này, bởi nếu 2 năm tới, khi kinh tế phục hồi, DN quay trở lại hoạt động, liệu tỷ lệ này có được đảm bảo?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho biết, Quốc hội khóa XII đã giám sát một vụ án dân sự tranh chấp thừa kế, kéo dài 14 năm qua 4 vòng tố tụng: từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm và cuối cùng kết quả trở lại bản án sơ thẩm đầu tiên. Điều này cho thấy, chất lượng giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án chưa cao, cần cải thiện để đỡ phải xét xử nhiều lần.

Đại biểu Quyền cũng đề cập đến vấn đề cho hưởng án treo tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế là có biểu hiện nương nhẹ và không đúng pháp luật. Nhiều trường hợp tội phạm ở mức rất nghiêm trọng, nhưng lại áp dụng 2 lần tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung và cho hưởng án treo. Do đó, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị TAND Tối cao cho thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ các bản án tương tự.

Trong công tác điều tra, tỷ lệ xử lý đơn tố giác tội phạm quá hạn luật định khá cao, nếu Viện KSND không kiểm soát chặt chẽ thì có thể bỏ lọt tội phạm. Qua giám sát, công tác trinh sát còn yếu, có tình trạng bị can bỏ trốn và không đủ lực lượng thực hiện một số công tác nghiệp vụ. Có tỉnh, trong 2,5 năm chỉ xử lý được 1 - 2 vụ tham nhũng. Quá trình điều tra án tham nhũng kinh tế kéo dài vẫn chưa có giải pháp cơ bản.

Ngoài ra, theo đại biểu Quyền, chất lượng tranh tụng ở địa phương rất yếu do trình độ tranh tụng của Viện KSND còn hạn chế và thiếu luật sư để tranh tụng. Có những sai sót trong điều tra, công tố, xét xử, thi hành án, nhưng Viện KSND không kháng nghị. Về công tác phòng ngừa tội phạm, hiện có hàng chục chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm: ma túy, HIV…, nhưng chưa có đánh giá tổng thể hiệu quả của các chương trình này và tội phạm năm sau gia tăng so với năm trước, dù đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi, những biện pháp phòng ngừa đã đủ, đã phù hợp và ngăn ngừa hành vi phạm tội, nhất là tội phạm kinh tế, ngân hàng, tài chính, đất đai?

Các đại biểu cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá thực trạng sâu sát hơn nữa, xem xét tình trạng tội phạm trong mối tương quan với tình hình kinh tế - xã hội để có giải pháp thích hợp.     

 

Theo TAND Tối cao, từ 1/10/2012 đến 31/7/2013, hơn 270.000 vụ án các loại đã được giải quyết trong tổng số 356.600 vụ án thụ lý, tăng hơn 31.000 vụ so với cùng kỳ năm trước. Số án quá hạn do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm 50%. Tỷ lệ án hủy, sửa giảm 0,3%. Tỷ lệ hòa giải trong giải quyết án dân sự đạt 53%. Đối với đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết được 5.699 đơn, tương đương 51%, trong đó kháng nghị 602 vụ, còn lại là không có căn cứ kháng nghị.

Theo Bộ Tư pháp, đến 31/7/2013, về thi hành án dân sự, trong tổng số 656.000 việc phải thi hành, hơn 520.000 việc có điều kiện thi hành, đã thi hành 356.000 việc, tăng 65.000 việc (22,6%) so với cùng kỳ năm trước. Về tiền, trong tổng số 64.266 tỷ đồng phải thi hành, qua xác minh phân loại, có 41.900 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đã thi hành 18.037 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, do lượng án phải thi hành tăng mạnh, dẫn đến số lượng việc và tiền đã thi hành tăng, nhưng so về tỷ lệ lại thấp hơn cùng kỳ năm 2012.

Bùi Trang
Bùi Trang

Tin cùng chuyên mục