Phá vòng luẩn quẩn trong cho vay thế chấp hàng hóa

(ĐTCK) Tháng 11/2012, tại một kho hàng thuộc địa bàn xã An Hồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng phát sinh sự kiện tranh chấp xử lý tài sản bảo đảm hàng hóa giữa 7 ngân hàng. Sự việc bắt nguồn từ việc một DN chuyên doanh vật liệu xây dựng được 7 ngân hàng cùng tài trợ tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng mặt hàng thép tại kho hàng của DN.
Phá vòng luẩn quẩn trong cho vay thế chấp hàng hóa

Phá vòng luẩn quẩn trong cho vay thế chấp hàng hóa ảnh 1

Thông thường,  giá trị số lượng hàng hóa dùng để bảo đảm luôn lớn hơn giá trị số dư nợ cho vay

 

Từ một vụ “cướp hàng”…

Thông thường, khi các ngân hàng tài trợ tín dụng cho DN, thì chỉ chấp nhận cho vay tới 60 - 70% giá trị tài sản bảo đảm và giá trị số lượng hàng hóa dùng để bảo đảm luôn lớn hơn giá trị số dư nợ cho vay. Tuy nhiên, gặp khó khăn của tình hình kinh tế vĩ mô, DN mặc dù có uy tín cao với các ngân hàng, nhưng không ít DN lâm vào tình trạng vi phạm, khi mà có ngân hàng đã phát hiện số lượng hàng hóa trong kho hàng bị thiếu hụt, không bảo đảm đủ cho dư nợ cho vay hoặc bị thế chấp để vay nhiều lần.

Trở lại vụ việc nói trên, ngày 8 và 9/11/2012, một ngân hàng lớn thuộc khối quốc doanh đã bố trí 120 xe tải trọng lớn, với đội ngũ khuân vác hùng hậu ngang nhiên vào vận chuyển khoảng 7.000 tấn hàng trên tổng số lượng lưu kho 10.000 tấn hàng ra khỏi kho hàng của 1 DN tại An Dương, Hải Phòng, trước sự chứng kiến bất lực của các ngân hàng bạn. Sau đó, với số hàng ít ỏi còn lại trong kho, các ngân hàng cổ phần họp bàn và tự hỏi nhau cần phải làm gì.

Trong vụ việc này, các ngân hàng bị “cướp hàng” rất bức xúc khi mà việc nhận thế chấp hàng của ngân hàng mình có lập hợp đồng thế chấp, có đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký Quốc gia về giao dịch bảo đảm để xác lập quyền ưu tiên xử lý tài sản, thậm chí có cả khoanh vùng hàng hóa lại, thuê bảo vệ trông giữ 24/24h.

Nhưng thật khó nói ngân hàng quốc doanh kia “cướp hàng”, khi mà họ cũng xuất trình hợp đồng thế chấp hàng của họ với số lượng hàng thế chấp khoảng 7.000 tấn hàng, cũng có đăng ký giao dịch bảo đảm và khi xử lý, họ cũng có quyết định thu giữ tài sản bảo đảm một cách đàng hoàng. Vấn đề là khác với những loại tài sản bảo đảm như nhà đất, ô tô có giấy tờ đăng ký dễ quản lý, dễ xác định, tài sản bảo đảm ở đây là cùng một mặt hàng thép, mà khi đã trộn lẫn vào để thu giữ, thì thép nào chẳng giống thép nào. Cùng một mặt hàng, quản lý trong cùng một kho hàng, thì quả thật không có ranh giới đây là “hàng anh, hàng tôi”. Một khi đã không xác định được ranh giới, thì những giấy tờ chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm của các ngân hàng có giá trị như… giấy lộn.

 

… đến sự dè dặt trong cho vay thế chấp bằng hàng hóa

Năm 2011, xảy ra vụ việc 5 ngân hàng trên địa bàn TP. Cần Thơ cùng tranh chấp một kho hàng rỗng của Công ty An Khang, từ đây, các ngân hàng đã phần nào nhận thức rõ rủi ro trong việc cho vay nhận hàng hóa thế chấp. Đây là một sản phẩm cho vay mà các rủi ro khách quan thường xuyên xảy ra ,như hàng hóa khó xác định rõ ràng quyền sở hữu, có thể bị hỏng, bị hủy, bị mất cắp, bị tháo ruột, bị bán cho nhiều người, bị thế chấp trùng cho nhiều ngân hàng, bị gán nợ, bị chủ nợ khác chiếm giữ trên thực tế… Các rủi ro này dẫn đến khó quản lý và nếu xảy ra, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ của khách hàng do đây cũng là nguồn lực kinh doanh của khách vay.

Đến cuối năm 2012, hầu hết các ngân hàng đều sợ và từ chối giải ngân cho những khoản vay thế chấp bằng hàng. Lý do thì ai cũng rõ, một công thức cho vay mới hình thành “TC = TC và CC = CC”, có nghĩa là “Thế chấp” bằng “Tín chấp” còn “Cầm cố” bằng “Chắc chắn”. Nhưng để nhận cầm cố được hàng hóa, thì phải có kho hàng riêng của ngân hàng, trong khi không ngân hàng nào đủ lực để làm được điều này. Cũng không thể bắt khách hàng mang hàng hóa sản xuất từ một nơi về thế chấp ở một nơi xa xôi khác, làm phá vỡ logic phân phối kinh doanh.

Nhưng trước áp lực lợi nhuận của ngân hàng và thực tế trước sự sống của DN và nền kinh tế, từ tháng 2/2013, một số ngân hàng thuộc khối quốc doanh tại miền Nam, sau khi “lên dây cót” tinh thần về việc cứ làm, miễn đừng sai sót, vụ lợi cá nhân, đã bắt đầu có dấu hiệu cho vay trở lại với DN trên cơ sở nhận hàng hóa thế chấp, nhất là những DN chuyên doanh sản xuất hàng nông nghiệp. Khối ngân hàng thương mại cổ phần có sự khó khăn hơn trong lựa chọn này, bởi áp lực bảo toàn đồng vốn cao hơn do thuộc tính sở hữu tư nhân và nếu tiếp tục cho vay thế chấp hàng hóa, họ sẽ phải chấp nhận tình trạng như đi bơi trên sông sâu mà khoác một chiếc phao cứu sinh thủng.

 

“Mở lối vườn hồng", cách nào?

Thực tế đã phản ánh, các DN còn duy trì được hoạt động sản xuất hàng hóa chính là những điểm sáng trong bối cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam hiện tại. Việc tài trợ tín dụng và nhận bảo đảm bằng hàng hóa thế chấp vẫn là điều tất yếu đối với các ngân hàng. Vấn đề là tìm lối thoát phá vòng luẩn quẩn trong cho vay thế chấp hàng hóa.

Tại Hội thảo “Những rủi ro và cơ hội phát triển tín dụng nông nghiệp ở Việt Nam ” do IFC và World Bank đồng tổ chức mới đây, một chuyên gia nước ngoài đã nêu lên giải pháp, thiết nghĩ có thể trở thành lối thoát hữu hiệu phù hợp với tình hình của Việt Nam . Ở một số nước có nền kinh tế phát triển, một số hãng kho vận uy tín đứng ra làm trung gian gửi giữ hàng hóa. Khi các DN gửi hàng vào kho, họ sẽ được cấp những chứng chỉ ghi nhận thông tin về số lượng, chất lượng, chủng loại và sở hữu về hàng hóa. Các DN có thể đem các chứng chỉ này thế chấp vay vốn tại các ngân hàng. Với độ uy tín cao của hãng kho vận, ngân hàng sẽ mặc nhiên ghi nhận các thông tin để nhận thế chấp hàng hóa mà không nhất thiết phải thẩm định trực tiếp hàng. Khi cần xử lý tài sản bảo đảm, chỉ với chứng chỉ này, ngân hàng cũng có thể bán được hàng hóa với sự hợp tác của hãng kho vận qua các thủ tục pháp lý hợp lý. Với sự phối hợp tổng thể trên, các mắt xích của nền kinh tế được phối hợp nhịp nhàng, giảm bớt các chi phí không cần thiết và giảm thiểu hầu hết các rủi ro thuộc tính của thế chấp hàng hóa.

Ở Việt Nam , đến nay chưa có một hãng kho vận nào đầu tư đủ chiều sâu về uy tín, công nghệ và điều kiện để các ngân hàng tin cậy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực này. Lý do gồm các yếu tố cộng hưởng, công nghệ quản trị kho hàng, vốn đầu tư và hành lang pháp lý. Việt Nam thiếu cả ba yếu tố này. Với hai yếu tố đầu tiên, trước tiềm năng dồi dào của thị trường, Việt Nam hoàn toàn có thể kêu gọi những hãng logistic uy tín trên thế giới đầu tư và mở rộng dịch vụ ở Việt Nam , nhưng trước tiên chúng ta cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với lĩnh vực này.

Các vấn đề về điều kiện hoạt động, giới hạn nghiệp vụ, bảo hiểm trách nhiệm, quy chuẩn hoạt động... áp dụng cho các DN kho vận chuyên doanh lĩnh vực này cần được phân định rạch ròi quyền sở hữu hàng hóa, quy trình phối hợp quản lý hàng hóa thế chấp giữa ngân hàng, bên kho vận, bên thế chấp… bằng quy định pháp luật.

Có hành lang pháp lý này, thì “vườn hồng sẽ mở” cho những DN kho vận triển khai nghiệp vụ kinh doanh quản lý hàng hóa thế chấp tại Việt Nam, tạo nên sự kinh doanh chuyên biệt và qua đó cũng góp phần quản trị tốt các rủi ro của việc nhận hàng hóa thế chấp đối với các ngân hàng.

Đây chỉ là một trong các giải pháp tạo lối ra cho hoạt động cho vay nhận thế chấp hàng hóa của các ngân hàng, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của hoạt động sản xuất trong nền kinh tế. Thực tế không thiếu các phương án, mà điều cần là sự thực thi một trong các phương án khả thi.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO

Tin cùng chuyên mục