Phá thế độc quyền của ACV

Việc Bộ Giao thông - Vận tải bắt đầu lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng hàng không.
Phá thế độc quyền của ACV

Trong phương án trên, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được thực hiện theo phương án nào, chi phí bao nhiêu, doanh nghiệp nào sẽ được lựa chọn để giao đầu tư các hệ thống hạ tầng, đặc biệt là nhà ga T3 công suất 20 triệu lượt khách chính là những nhóm vấn đề quan trọng, rất cần nhận được những ý kiến góp ý thẳng thắn, có trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Cần phải nói thêm rằng, trong tờ trình gửi Bộ Giao thông - Vận tải vào cuối tháng 5/2018, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư ba hạng mục quan trọng, có giá trị lớn nhất, gồm hệ thống đường lăn, mở rộng sân đỗ và nhà ga hành khách T3.  

Hiện chưa rõ lý do, động cơ khiến Cục Hàng không Việt Nam đưa ra đề xuất này, nhưng việc tiếp tục mặc nhiên giao ACV độc quyền đầu tư các dự án mở rộng sân bay đầu mối lớn nhất nước có thể sẽ để lại nhiều hệ lụy lớn kể cả về mặt pháp lý lẫn môi trường kinh doanh.

Đầu tiên là việc theo quy định hiện hành, hệ thống tài sản khu bay tại các cảng hàng không như đường lăn, sân đỗ không phải là tài sản của ACV.

Việc giao ACV - một doanh nghiệp cổ phần làm chủ đầu tư các dự án mở rộng khu bay tại Tân Sơn Nhất bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là chưa đúng với Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 59/2015/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. 

Tiếp đến, nếu tiếp tục giao ACV làm nhà đầu tư Dự án Xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ dẫn tới nguy cơ khép kín trong đầu tư khi đơn vị này vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác.

Việc này có thể dẫn đến sự thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng công trình. Quan ngại trên được chính Bộ Giao thông - Vận tải nêu tại Kết luận Thanh tra 5045/KL - BGTVT về việc huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư do ACV quản lý vừa được công bố hồi đầu tháng 5/2018. 

Trong khi những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình quản lý 10 dự án đầu tư do ACV đầu tư chưa được xử lý, rút kinh nghiệm nghiêm túc; chưa xây dựng được cơ chế giám sát hữu hiệu “ốc đảo ACV”… thì việc giao cho đơn vị này “một mình, một chợ” đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất rất có thể sẽ tiếp tay cho những sai phạm ở quy mô lớn hơn.

Sau nữa, theo Luật Đầu tư 2014, Nghị định số 63/2018/NĐ - CP về đầu tư theo hình thức PPP, các công trình nhà ga hàng không cần phải triển khai theo hình thức PPP, trong đó cần xây dựng đề xuất đầu tư có tính khả thi để tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu công khai, rộng rãi.

Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhà ga T3 chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm chi phí xây dựng và tạo sự cạnh tranh, minh bạch, đồng thời giúp giảm bớt vị thế độc quyền của ACV tại sân bay Tân Sơn Nhất, tạo sự so sánh về chất lượng dịch vụ giữa hai đơn vị cung cấp dịch vụ sân bay.

Đã đến lúc việc mặc nhiên chỉ định ACV đầu tư cho các dự án hạ tầng hàng không cần được chấm dứt, bởi nó sẽ tước đi cơ hội tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước khác.

Nhất là khi, hầu hết dự án hàng không đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian qua được triển khai nhanh hơn, chi phí thấp hơn so với những cách làm nhiều sai sót của doanh nghiệp quản lý cảng hàng không này.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục