ACV dính chàm tại dự án xã hội hóa hạ tầng hàng không

Việc lựa chọn sai hình thức đầu tư tại 2 dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế tại Đà Nẵng và Cam Ranh đang đẩy Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các nhà đầu tư đứng trước nhiều hệ lụy pháp lý lớn.
Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Đức Thanh. Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Đức Thanh.

Sai sót mở màn

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ vừa yêu cầu ACV, Cục Hàng không Việt Nam và cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện Kết luận thanh tra số 5044/KL-BGTVT ngày 15/5/2018 của Bộ Giao thông - Vận tải. 

Đây là kết luận thanh tra được đánh giá là “có sức nặng” liên quan đến việc triển khai 3 công trình hạ tầng hàng không được triển khai theo hình thức xã hội hóa gồm: 2 dự án Nhà ga hành khách quốc tế tại sân bay Đà Nẵng, sân bay Cam Ranh và Dự án Nhà để xe quốc nội - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Dự án Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng, có mục tiêu xây dựng 1 nhà ga mới, công suất giai đoạn I là 2,5 triệu hành khách/năm.

Dự án do ACV và các nhà đầu tư khác tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó ACV góp 10%; Công ty TNHH Liên Thái Bình Dương sau khi thực hiện mua lại cổ phần của 1 cổ đông khác, hiện nắm tới 55% vốn điều lệ.

Tại Dự án Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng, ACV cùng 3 nhà đầu tư khác cùng góp vốn thành lập doanh nghiệp là Công ty cổ phần Đầu tư khai thác Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng (AHT) với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Được xếp vào dự án nhóm A, công trình dân dụng công cộng cấp I, Dự án này có tổng mức đầu tư 3.504 tỷ đồng để xây dựng 1 nhà ga công suất 2,3 triệu hành khách/năm.

Theo Thanh tra Bộ GTVT, sai sót mở màn đầu tiên tại 2 dự án này chính là việc áp dụng hình thức đầu tư không phù hợp. Cụ thể, tại Điều 27, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014, thì việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng là đầu tư theo hình thức hợp đồng đối tác công - tư (PPP).

Tại mục a, Điều 4 về “Lĩnh vực đầu tư và phân loại dự án” của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP thì các dự án, các công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải là lĩnh vực đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP.

Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 2, Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay, kết cấu hạ tầng cảng hàng không cũng quy định rõ công trình nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng không. 

Đây là lý do khiến Thanh tra Bộ GTVT khẳng định, tại 2 dự án này, dù các nhà đầu tư đầu tư lựa chọn việc thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công cũng đều phải thực hiện đầu tư theo hình thức PPP. 

Do không thực hiện theo hình thức hợp đồng PPP, nên cả 2 dự án đều không tiến hành ký hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư và không có phương án tài chính được xác định theo Hợp đồng, chưa tiến hành làm thủ tục cấp giấy phép đầu tư. 

Vi phạm dắt dây

Được biết, với việc áp dụng chưa chuẩn hình thức đầu tư phù hợp, không chỉ đẩy ACV và các nhà đầu tư đứng trước nhiều hệ lụy pháp lý, mà còn khiến hai dự án liên tục dính các sai sót lớn.

Cụ thể, do các dự án nói trên không triển khai theo hình thức Hợp đồng PPP, nên việc nhà đầu tư tự phê duyệt dự án đầu tư là không đúng thẩm quyền (Điều 27, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP). 

Điều đáng nói là tại cả 2 dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế, việc lập, phê duyệt và sau đó là triển khai thi công đều tiến hành khi chưa có hợp đồng thuê đất.

Tại Dự án ga Đà Nẵng, diện tích đất để triển khai dự án là 87.442,7 m2, nhưng Cảng vụ Hàng không Miền Trung mới tạm bàn giao 43.477,9 m2 đất giai đoạn I;

Dự án ga Cam Ranh chủ đầu tư mới nhận được bàn giao chính thức với diện tích 58.716,52 m2 và được tạm bàn giao (đợt 2) để thực hiện hạng mục tiếp theo của dự án với tổng diện tích 94.180,74 m2.

“Như vậy, tại thời điểm lập và phê duyệt dự án đầu tư, tính pháp lý đối với tài sản đất đai được xác định để đầu tư dự án là chưa được xác lập rõ ràng”, Thanh tra Bộ GTVT bày tỏ quan ngại.

Tại Kết luận thanh tra số 5044, Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, hiện Cam Ranh, Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội là 4 khu vực mà hoạt động khai thác cảng hàng không có lãi để bù lỗ cho đại đa số các cảng hàng không ở các tỉnh, khu vực khác,

Do đó, việc cho phép các nhà đầu tư khác khai thác tại Đà Nẵng, Cam Ranh sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ACV, đặc biệt giảm khả năng bù lỗ cho các cảng hàng không khác. 

Theo Thanh tra Bộ GTVT, trách nhiệm tham mưu chưa đúng về chủ trương đầu tư và lựa chọn hình thức đầu tư không phù hợp đối với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh thuộc Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), Cục Hàng không Việt Nam và ACV.

“ACV sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc đề xuất dự án và phương án góp vốn không phù hợp theo quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra giám sát việc quản lý thực hiện Dự án”, Kết luận Thanh tra nêu rõ.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục