Phá băng BĐS không chỉ bằng... kiến nghị

(ĐTCK) Để phá băng thị trường bất động sản, TP. HCM kiến nghị Chính phủ hàng loạt giải pháp, nhưng có những vấn đề trong tầm tay lại không được Thành phố tháo gỡ.
Phá băng BĐS không chỉ bằng... kiến nghị

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM, tính đến tháng 9 năm nay, TP. HCM đã có thêm 373 dự án bất động sản ngừng thi công vì khó khăn. Hiện Thành phố cũng đang tồn kho khoảng 10.053 căn hộ chung cư và 120,8 héc-ta đất nền nhà thấp tầng. Phần lớn các dự án phát triển nhà đang phải tạm ngưng triển khai do thiếu vốn và thị trường đóng băng.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, để giúp thị trường giải quyết hàng tồn kho, Nhà nước đã đưa ra gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả vẫn chưa cao, bởi phần lớn hàng tồn đều tập trung vào các dự án có diện tích trên 70 m2.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, mới đây, UBND TP. HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị hàng loạt giải pháp. Theo đó, Thành phố đề nghị cho phép thế chấp bất động sản bằng quyền sử dụng đất ở ngân hàng nước ngoài; bổ sung quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như cá nhân trong nước; mở rộng loại nhà các đối tượng trên được sở hữu, mở rộng quyền được mua nhà ở sang cả nhà biệt thự, nhà ở riêng lẻ...

Về việc để đẩy nhanh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, TP. HCM kiến nghị Chính phủ có chính sách cho vay hỗ trợ đối với căn hộ có diện tích trên 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, nhưng chỉ cho vay ưu đãi lãi suất đối với phần diện tích dưới 70 m2, phần diện tích vượt không cho vay. Lãi suất giảm từ 6%/năm xuống còn 3%/năm và tăng thời gian vay lên 15 năm...

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, nhiều doanh nghiệp cho rằng, những kiến nghị trên của Thành phố là rất thiết thực, nếu được Chính phủ chấp thuận, sẽ góp phần giải quyết được nhiều khó khăn cho thị trường. Tuy nhiên, có những nút thắt hiện tại có thể khơi thông thị trường trong tầm tay của Thành phố lại chưa được tháo gỡ.

 Phá băng BĐS không chỉ bằng... kiến nghị ảnh 1

 Nhiều doanh nghiệp bất động sản TP. HCM muốn chia nhỏ căn hộ, nhưng vẫn chưa được Thành phố cho phép

Theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức, nút thắt doanh nghiệp cần tháo gỡ nhất hiện nay là việc chia nhỏ căn hộ. Chủ trương này đã có hướng dẫn của Bộ Xây dựng (Thông tư 02/2013/TT-BXD), nhưng gần cả năm qua vẫn chưa được Thành phố cho phép.

“Trong số hơn 10.000 căn hộ tồn kho hiện nay, có đến 70% là căn hộ có diện tích trên 70 m2. Chỉ cần nhanh chóng cho doanh nghiệp điều chỉnh dự án, thị trường sẽ tốt lên, vì phân khúc diện tích nhỏ là phân khúc chủ lực của thị trường hiện nay”, ông Hiếu cho biết.

Trong một buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP. HCM mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG) bức xúc, QCG có Dự án 6B tại Khu đô thị mới Nam Sài Gòn xin được chẻ nhỏ căn hộ, nhưng đã hơn 4 tháng qua, hồ sơ cứ chuyển lòng vòng từ Thành phố xuống Sở Xây dựng, rồi từ Sở chuyển về địa phương, đến nay vẫn chưa được xem xét.

Theo bà Loan, Chung cư 6B xin chuyển đổi toàn bộ 300 căn hộ trong dự án này thành 492 căn hộ nhỏ. Cụ thể, điều chỉnh căn 120 m2 thành 60 m2; loại 140 m2 chuyển thành 70 m2. Dù thực hiện đúng như quy định, nhưng không hiểu vì sao đến nay hồ sơ xin chuyển đổi của QCG vẫn không được Thành phố xem xét.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, việc TP. HCM kiến nghị giảm lãi suất cho vay của gói 30.000 tỷ đồng từ 6%/năm xuống còn 3%/năm là tốt, nhưng rất khó khả thi, vì hiện nay, không chỉ bất động sản khó khăn, mà nhiều ngành nghề khác cũng khó khăn.

Cùng quan điểm với nhiều doanh nghiệp khác, ông Đực cho rằng, giải pháp quan trọng trước mắt giúp thị trường bớt khó khăn là TP. HCM nên nhanh chóng cho doanh nghiệp “chẻ” nhỏ căn hộ.

“Ở Hà Nội có nhiều dự án được chuyển đổi và đã khởi công, còn ở TP. HCM đến nay vẫn im lìm. Càng để lâu, doanh nghiệp càng kiệt quệ”, ông Đực nói và cho rằng, hiện nay UBND TP. HCM đã có chủ trương cho phép, nhưng lai yêu cầu doanh nghiệp phải lập lại dự án đầu tư, nếu thực hiện theo cách này thì phải tốn thêm nhiều thời gian không cần thiết.

 

>> Bất động sản TP. HCM sắp cạn nguồn cung

>> Nghị quyết 02 và những kiến nghị phát triển BĐS

>> TP. HCM, nở rộ khiếu kiện đòi nhà

>> TP. HCM khuyến khích đầu tư và sử dụng vật liệu xây không nung

>> TP. HCM “treo giò” gần 1.000 dự án: tin vịt!

>> TP. HCM cấp sổ không qua chủ đầu tư

Tăng Triển
Tăng Triển

Tin cùng chuyên mục