Như vậy, với khối lượng chứng khoán đang lưu hành hơn 1.170 triệu cổ phiếu, Petrolimex dự kiến sẽ chi hơn 3.042 tỷ đồng để trả cổ tức chio cổ đông hiện hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 30/5, thời gian thanh toán dự kiến từ ngày 23/7/2019.
Theo cơ cấu danh sách cổ đông hiện nay, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang là cổ đông lớn nhất với việc sở hữu 981,69 triệu cổ phiếu, sẽ được nhận về hơn 2.550 tỷ đồng tiền cổ tức từ Petrolimex; tiếp theo đó, Công ty TNHH Tư vấn và Hodings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam sở hữu 103,53 triệu cổ phiếu, sẽ được nhận gần 270 tỷ đồng từ tiền cổ tức của Petrolimex.
Các năm trước Petrolimex đều duy trì việc trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 30% và đây là một trong số ít các tập đoàn Nhà nước có khả năng trả cổ tức cao bằng tiền mặt.
Hiện Nhà nước đang sở hữu 83,85% cổ phần tại Petrolimex và theo lộ trình, Nhà nước sẽ giảm vốn tại Petrolimex xuống 51% trong giai đoạn 2019-2020 thông qua việc phát hành tăng vốn điều lệ.
Theo chia sẻ tại đại hội cổ đông năm 2019, cổ đông lớn JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam cho biết, họ sẵn sàng tham gia mua cổ phần của Petrolimex và mong muốn sở hữu 20% cổ phần của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, Petrolimex cũng đang báo cáo Ủy ban quản lý vốn về việc bán 123 triệu cổ phiếu quỹ.
Mới đây, Petrolimex đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2019 với doanh thu đạt gần 42.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gần 1.300 tỷ đồng, tăng 29% cùng kỳ năm trước, thực hiện được 30% kế hoạch năm.
Trên sàn chứng khoán, đóng cửa phiên 23/5, PLX tăng 1,8% lên 67.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 1,14 triệu đơn vị. Tính trung bình 10 phiên gần đây, khối lượng khớp lệnh của PLX đạt 902.205 đơn vị/phiên.