ĐHCĐ Petrolimex (PLX): Chuyển kế hoạch thoái vốn sang 2019-2020

(ĐTCK) Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã kiến nghị với Chính phủ và được đồng ý lùi thời gian thoái vốn nhà nước của Petrolimex sang năm 2019-2020.
ĐHCĐ Petrolimex (PLX): Chuyển kế hoạch thoái vốn sang 2019-2020

Sáng 26/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 nhằm thông qua các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhiều khó khăn đang “bủa vây”.

Báo cáo trước Đại hội, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của Petrolimex chịu tác động của các yếu tố không thuận lợi như quy mô, mức độ cạnh tranh của các đầu mối ngày càng gia tăng với hơn 200 thương nhân phân phối.

Đặc biệt, diễn biến giá xăng dầu thế giới biến động khó lường, trong đó 9 tháng đầu năm giá dầu tăng 26-38% so với 2017 thì từ giữa tháng 10 đã giảm nhanh và giảm 42% so với mức cao nhất.

Sự biến động này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong quý IV cũng như cả năm 2018.

Tuy nhiên, với việc triển khai các giải pháp đồng bộ, Petrolimex đã về đích 2018 với doanh thu thuần hợp nhất vượt 21% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 5.043 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước đạt 38.280 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch.

Ông Thanh cho biết, năm 2018, Petrolimex chưa hoàn thành thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo lộ trình, chưa hoàn thành phương án tái cấu trúc PG Bank theo quy định.

Vì vậy, trong năm 2019, Hội đồng Quản trị Petrolimex sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ chưa hoàn thành trong năm 2018 về thoái vốn và tái cấu trúc.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Petrolimex tăng cường công tác dự báo khi thị trường diễn biến khó lường.

Bên cạnh đó, Petrolimex cần tổ chức tốt công tác logistic để đảm bảo giá thành xăng dầu cạnh tranh nhất, đảm bảo quyền lợi cổ đông.

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã kiến nghị với Chính phủ lùi thời gian thoái vốn nhà nước của Petrolimex sang năm 2019-2020.

Trong phần thảo luận, các cổ đông đặt nhiều câu hỏi liên quan đến PLX sẽ triển khai cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng như thế nào, lộ trình thoái vốn nhà nước, kế hoạch bán cổ phiếu quỹ, thoái vốn ở các lĩnh vực khác…

Theo ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch PLX, Tập đoàn đã gặp hơn 100 tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm tới cổ phiếu PLX, chuẩn bị cho kế hoạch bán cổ phiếu trong thời gian tới.

Thoái vốn tại Pijico, PLX đang trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các cơ quan quản lý, tương tự kế hoạch thoái vốn tại PGBank cũng đang chờ quyết định cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước.

Trả lời câu hỏi về việc cổ đông lớn JX (Nhật Bản) có quan tâm tới việc tăng vốn tại PLX, đại diện Tập đoàn này cho biết, vẫn muốn giữ tỷ lệ đầu tư vào PLX 20% và sẽ bàn kỹ hơn với Tập đoàn trong thời gian tới.

Về các dự án đầu tư lớn trong thời gian tới, lãnh đạo PLX cho biết đang theo đuổi các dự án về LNG để cung cấp cho các nhà máy điện. PLX có kho ngoại quan ở Vân Phong (Khánh Hòa), có cảng nước sâu, nếu đặt thành cứ điểm cung cấp LNG thì thuận lợi, vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD, có thể triển khai từ 2021-2025 nếu được phê duyệt.

Thứ hai là dự án đầu tư mở rộng các cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, hiện có 2.500 cửa hàng, Tập đoàn đang quy hoạch lại hệ thống cửa hàng ở thành phố lớn, trên đường cao tốc, để mở rộng đầu tư theo chiến lược dài hạn. Mỗi năm PLX dành 1.200-1.500 tỷ để phát triển mảng này.

Thứ ba là các dự án hiện đại hóa hoạt động của Tập đoàn.

Thứ tư là đầu tư lớn cho kinh doanh xăng dầu hàng không.

Cũng từ tháng 5 này, PLX sẽ chuyển về địa điểm mới, tiến hành đầu tư tòa nhà trụ sở với vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý I/2019, theo ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc cho biết, đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, bằng 28% kế hoạch năm.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục