PCI - phép thử cho những thể nghiệm trong điều hành

Thứ hạng Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 vừa được công bố hôm qua (20/3) không có những cú sốc hay sự xáo trộn quá lớn như từng xảy ra vào lần công bố trước.

Sự trở lại ngôi vị của các đầu tàu và xu thế tăng điểm của chất lượng điều hành kinh tế địa phương được tái lập sau một vài năm chung chiêng dường như cho thấy, những lấn cấn trong cải thiện môi trường kinh doanh đã được giải tỏa. Tuy nhiên, sau sự thành công khá đồng đều, áp lực về sự bứt phá và vị trí tiên phong trở nên nặng nề hơn.

Phải nói ngay rằng, một trong những thành công của thứ hạng PCI là đã chỉ ra được những đòi hỏi của doanh nghiệp sau những cải thiện đáng kể về thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường. Đó là những hành động cụ thể trong việc tạo thuận lợi về tiếp cận đất đai, minh bạch trong cơ chế, chính sách, thông tin liên quan đến kinh tế địa phương, hay sự thân thiện, thiết thực trong các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...            

Có thể nói, tất cả các yếu tố trên chính là chìa khóa tạo nên những chiếc thảm đỏ mà các doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đều cần khi tìm kiếm địa điểm đầu tư.

Điều quan trọng là, khi các địa phương cùng nhìn ra giải pháp, cuộc đua ganh thứ hạng trên Bảng xếp hạng PCI hàng năm chính là phép thử cho những sáng kiến, những thể nghiệm trong ứng xử với vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp của từng chính quyền địa phương.

Với góc độ này, phân tích bộ chỉ số PCI, có thể thấy năm 2013 là một năm khởi sắc khi tỉnh trung vị có điểm số là 47, cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện điều tra trên toàn quốc vào năm 2006. So với mốc này, 51 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố, chiếm 81%, có những cải thiện tích cực.

Mặc dù không được xét là ý kiến chính thức để tạo nên thứ hạng của các địa phương trong PCI, song các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia khảo sát cũng thể hiện rõ sự quan tâm hơn với các địa phương có cơ sở hạ tầng và dịch vụ hành chính công tốt, ít rủi ro trong thực thi chính sách…

Tuy nhiên, số liệu khảo sát cũng cho thấy, những thay đổi này không lớn. Ngay như các tỉnh tăng hạng nhiều nhất là Bạc Liêu và Tiền Giang cũng chỉcó điểm số PCI gốc trung bình tăng chưa đầy hai điểm một năm. Đáng lo ngại là, hai chỉ số khá quan trọng, quyết định phần lớn sự thay đổi này lại bị đánh giá thấp. Đó là tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh và thái độ của họ đối với khu vực tư nhân suy giảm liên tục kể từ năm 2007.

Chính sự giảm điểm về tính năng động đã khiến nhiều địa phương là các địa điểm đầu tư quan trọng, từng có mặt trong những thứ hạng cao nhất của PCI, như Bình Dương, Bắc Ninh, Bình Định, Hưng Yên…, giảm điểm mạnh khi so sánh điểm số PCI gốc.

Cũng phải thấy rằng, sự thay đổi về chất lượng điều hành là rất khó. Khó hơn nữa là làm thế nào để các doanh nghiệp thực sự cảm nhận và chuyển được những thay đổi tích cực đó thành cơ sở để quyết định kế hoạch đầu tư - kinh doanh.

Điều này vô cùng quan trọng khi xem xét thứ hạng PCI trong sự sụt giảm đáng kể của “nhiệt kế doanh nghiệp” đo lường niềm tin kinh doanh trong 2 năm tới. Sự lạc quan của doanh nghiệp đã sụt giảm đáng kể trong vài năm gần đây, giảm từ mức 76% năm 2006 trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới xuống mức 33% ở khối doanh nghiệp trong nước và 28% ở khối doanh nghiệp nước ngoài.

Trong cuộc đua ganh này, nếu không có những chiến lược đột phá trong cải cách, rất có thể, những ngôi sao lấp lánh hôm nay sẽ đi lại vết xe trì trệ của những địa phương đi trước. Thách thức đang đặt lên không chỉ các địa phương tụt hạng, mà còn lên chính các địa phương vừa trở lại ngôi vị.

Bảo Duy(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục