Bất ngờ đầu tiên là Đà Nẵng từ vị trí thứ 12 năm 2012, thì năm 2013 nhảy lên ngôi vị quán quân với 66,45 điểm. Đà Nẵng từng có 3 năm liên tiếp (2008-2010) giữ vị trí số một trên bảng xếp hạng PCI cả nước.
Trong các lần công bố PCI nhiều năm trước đây, Hà Nội và TP.HCM là những địa phương gây không ít thất vọng bởi thứ hạng thấp kém. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, thành viên nhóm nghiên cứu PCI 2013, tình trạng này có sự cải thiện trong năm 2013, khi TP.HCM tăng 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 10, trong khi Hà Nội tăng tới 18 bậc, vươn lên vị trí thứ 33 từ vị trí 51/63 tỉnh, thành phố trên cả nước năm 2012.
Trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn tiếp tục có thứ hạng PCI thấp nhất cả nước, thì các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì chất lượng điều hành tốt, nên đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng PCI 2013.
Báo cáo PCI2013 cho thấy, doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn, đang rất vất vả để duy trì hoạt động. Năm 2013, chỉ có 6,4% doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư, 6,2% doanh nghiệp tăng quy mô lao động. Các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự lạc quan, khi chỉ có 32,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có ý định tăng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới.
Kết quả điều tra 1.609 doanh nghiệp FDI trong PCI 2013, theo GS.TS Edmund Malesky, Đại học Duke (Hoa Kỳ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, cho thấy Việt Nam được đánh giá tích cực hơn so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, vai trò tương đối lớn của DN trong hoạch định chính sách, rủi ro thu hồi tài sản thấp…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI nhận định, Việt Nam kém hơn các quốc gia cạnh tranh của mình về chi phí không chính thức, gánh nặng của quy định, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng cơ sở hạ tầng hạn chế.
“Báo cáo PCI 2013 cũng chỉ ra rằng một chính sách thuế ổn định hơn, dễ dự đoán hơn sẽ giúp giảm bớt hoạt động chuyển giá, để trốn thuế của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam”, ông Edmund Malesky nói.
Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo PCI 2013, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear, nhìn nhận, giá trị thực của PCI không nằm ở bản thân bảng xếp hạng, mà chính ở động lực mà bảng xếp hạng tạo ra cho những cuộc đối thoại công – tư thiết thực, để thúc đẩy cải cách và tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa như: cải cách thủ tục đăng ký doanh nghiệp, cắt giảm giấy phép…