Paralympic Tokyo 2020: Tìm hiểu những điều thú vị về giải đấu

0:00 / 0:00
0:00
Đoàn Thể thao Việt Nam dự Paralympic 2020 với 15 thành viên. Trong số này có 3 huấn luyện viên; 5 cán bộ, phiên dịch, bác sỹ và 7 vận động viên tranh tài ở 3 môn là cử tạ, bơi và điền kinh.
Các vận động viên khuyết tật tiêu biểu của Nhật Bản tại lễ thắp ngọn đuốc thiêng Paralympic Tokyo 2020 ở Tokyo ngày 18/8/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN). Các vận động viên khuyết tật tiêu biểu của Nhật Bản tại lễ thắp ngọn đuốc thiêng Paralympic Tokyo 2020 ở Tokyo ngày 18/8/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN).

Đại hội thể thao thế giới dành cho người khuyết tật (Paralympic) 2020 sẽ được khai mạc tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản vào ngày 24/8 tới.

Sự kiện tiền thân của Paralympic hiện đại do ông Ludwig Guttmann - một nhà thần kinh học người Đức gốc Do Thái, sáng lập nên.

Năm 1948, ông Guttmann thành lập Thế vận hội Stoke Mandeville, một sự kiện thể thao dành cho các cựu chiến binh Anh bị chấn thương tủy sống, cũng là năm Thế vận hội mùa Hè London diễn ra.

Đến năm 1952, các cựu chiến binh Hà Lan tham gia sự kiện này, đánh dấu cuộc thi quốc tế đầu tiên. Và Paralympic như chúng ta biết hiện nay đã bắt đầu tại Rome (Italy) vào năm 1960, 6 ngày sau khi kết thúc kỳ Olympic của năm đó.

Ngày nay, Thế vận hội Paralympic - bao gồm cả mùa Hè và mùa Đông - được xếp là sự kiện thể thao lớn thứ 2 trên thế giới và Thế vận hội năm nay sẽ chào đón gần 4.400 vận động viên đến từ khoảng 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kể từ Thế vận hội Seoul (Hàn Quốc) năm 1988, Olympic và Paralympic đều diễn ra ở một thành phố đăng cai. Sự kiện năm nay đánh dấu lần thứ hai thủ đô Tokyo của Nhật Bản tổ chức Paralympic - sau năm 1964 - với 539 nội dung ở 22 môn thể thao, sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến ngày 5/9 tới.

Giống như những kỳ Olympic trước đó, Paralympic năm nay cũng sẽ sử dụng thương hiệu và biểu tượng năm 2020 giống như kỳ Olympic vừa được tổ chức, mặc dù đã bị hoãn lại một năm do đại dịch COVID-19.

Các vận động viên dự tranh Paralympic phải thuộc 1 trong 10 nhóm khuyết tật: suy giảm sức mạnh cơ bắp (có thể do tình trạng như nứt đốt sống hoặc loạn dưỡng cơ), suy giảm phạm vi vận động thụ động, khuyết tật chân tay (có thể do bệnh bẩm sinh hoặc cắt cụt), chiều dài chân khác biệt, tầm vóc thấp, tăng trương lực (tăng căng cơ do tổn thương hệ thần kinh trung ương), mất điều hòa (cử động không phối hợp gây ra do tổn thương hệ thần kinh trung ương), bệnh teo cơ (cử động chậm liên tục không tự chủ), suy giảm thị lực và suy giảm trí tuệ.

Các vận động viên sau đó phải trải qua một quá trình gọi là “đánh giá vận động viên,” trong đó họ được phân nhóm theo mức độ khuyết tật để đảm bảo tính công bằng; Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) so sánh quá trình này để phân nhóm các vận động viên theo độ tuổi, giới tính hoặc cân nặng.

Tại Paralympic 2020, cầu lông và Taekwondo sẽ lần đầu tiên có mặt, thay thế môn đua thuyền và bóng đá 7 người. 90 vận động viên đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ thi đấu trong 14 nội dung cầu lông, trong khi 72 vận động viên sẽ tranh tài ở 6 nội dung Taekwondo. Trong khi đó, Bhutan và Guyana sẽ là những nước lần đầu tiên có vận động viên tham dự.

Tại Paralympic 2016, Trung Quốc giành vị trí nhất toàn đoàn với 107 Huy chương Vàng, 81 Huy chương Bạc và 51 Huy chương Đồng. Tiếp theo là Vương quốc Anh (64, 39, 44), Ukraine (41, 37, 39), Mỹ (40, 44, 31) và Australia (22, 30, 29).

Tính riêng tại Đông Nam Á, Thái Lan đạt thành tích cao nhất với 6 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, và 6 Huy chương Đồng - xếp thứ 23 trên bảng tổng sắp huy chương.

Tiếp theo là Malaysia ở thứ hạng 36 (3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng), Singapore hạng 46 (2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng), và Việt Nam (1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng). Ngoài ra, Indonesia và Philippines giành được 1 Huy chương Đồng mỗi đoàn.

Đoàn Thể thao Việt Nam dự Paralympic 2020 với 15 thành viên. Trong số này có 3 huấn luyện viên; 5 cán bộ, phiên dịch, bác sỹ và 7 vận động viên tranh tài ở 3 môn là cử tạ, bơi và điền kinh.

Cụ thể, các vận động viên tham gia tranh tài tại Paralympic Tokyo 2020 gồm: Châu Hoàng Tuyết Loan, Lê Văn Công môn cử tạ; Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải môn bơi; Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải môn điền kinh.

Đoàn Việt Nam sẽ tham dự lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020 vào tối 24/8 với tối đa 2 vận động viên và 1 huấn luyện viên cho mỗi môn thể thao. Sau đó, ngày 25/8, các thành viên đội tuyển bơi sẽ bước vào thi đấu.

Các vận động viên môn cử tạ sẽ thi đấu vào ngày 26/8 và cuối cùng là môn điền kinh ngày 27/8.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục