PAPI 2020: Đói nghèo là mối lo hàng đầu của người dân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2020, trước những thách thức của dịch bệnh Covid-19 và bão lũ kéo dài, ba vấn đề mà người dân mong muốn Nhà nước tập trung giải quyết nhất bao gồm đói nghèo; y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế.
PAPI 2020: Đói nghèo là mối lo hàng đầu của người dân

Ngày 14/4, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã công bố “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2020 (PAPI 2020)” qua quá trình khảo sát, thu thập thông tin từ hơn 14.700 người dân khắp cả nước.

Toàn cảnh hội trường

Toàn cảnh hội trường

Đói nghèo là mối lo hàng đầu

Tại chương trình, Tiến sĩ Paul Schuler, Phó Giáo sư khoa học chính trị, Đại học Arizona (Hoa Kỳ), thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho biết ba vấn đề người dân mong Nhà nước tập trung giải quyết nhất trong năm 2020 bao gồm đói nghèo; y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế.

Mối quan ngại về đói nghèo vẫn ở mức cao nhất, mặc dù tỉ lệ người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần nhà nước ưu tiên tập trung giải quyết giảm xuống còn 18%, mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Ngược lại, mối quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế tăng lên đột biến. Tỉ lệ người trả lời quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước tăng từ 10% lên 13%, và tỉ lệ người quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế tăng từ 2% năm 2019 lên 17% năm 2020.

Biểu đồ thể hiện xu thế thay đổi ở một số vấn đề đáng quan ngại nhất giai đoạn 2015 - 2020.

Biểu đồ thể hiện xu thế thay đổi ở một số vấn đề đáng quan ngại nhất giai đoạn 2015 - 2020.

Mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung cũng phản ánh nỗi lo lắng của người dân về hiện trạng kinh tế hộ gia đình, rất có thể là do tác động của đại dịch Covid-19. Nhìn chung, mức độ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình năm 2020 giảm xuống tới mức thấp nhất trong 5 năm qua, đồng thời đánh giá của người dân về nền kinh tế của Việt Nam nói chung ở mức bi quan nhất trong ba năm qua.

Lần đầu tiên sau 10 năm, tỷ lệ người dân cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ ở mức khá và rất khá giảm đi. Mức độ lạc quan với nền kinh tế của Việt Nam cũng giảm mạnh, thể hiện qua việc số người cho rằng tình hình kinh tế của đất nước hiện nay ở mức kém tăng lên đáng kể so với hai năm trước.

Trước thực tế này, ông Paul Schuler đưa ra nhận định: “Mặc dù thành công trong kiểm soát đại dịch Covid-19 trong năm 2020, Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức về chăm sóc y tế và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”.

Ba chỉ số có thay đổi tích cực

Kết quả PAPI giai đoạn 2011 - 2020 cũng cho thấy xu hướng thay đổi tích cực ở ba chỉ số nội dung, bao gồm: Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân và Kiểm soát tham nhũng trong khu vực.

Theo ông Paul Schuler, hiện tượng hối lộ có xu hướng giảm trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực nhà nước; khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, ở trường tiểu học công lập và trong cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, hiện tượng cán bộ chính quyền sử dụng công quỹ vào mục đích riêng có xu hướng tăng nhẹ.

Cụ thể, theo trải nghiệm của người đã dùng dịch vụ, tỷ lệ người trực tiếp hoặc có người thân trong gia đình đi khám sức khỏe phải “bồi dưỡng” cán bộ y tế tuyến huyện tiếp tục ở mức thấp; ngược lại, tỷ lệ những người đại diện hộ đã xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục gia tăng.

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam khẳng định rằng, tại Việt Nam đã có sự cải thiện trong hiệu quả quản trị và người dân cũng được củng cố niềm tin giúp Việt Nam ứng phó thành công với đại dịch Covid-19. “Trong thời gian tới, với quản trị công tốt, Việt Nam sẽ ứng phó hiệu quả với những tình huống khẩn cấp bất ngờ khác”, bà Robyn Mudie nhấn mạnh.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục