
Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thực thi từ năm 2020 đã và đang mở ra cơ hội lớn thúc đẩy sự hiện diện của hàng Việt Nam ngày càng tăng tại Pháp nói riêng và EU nói chung.
EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về thuế quan mà còn thúc đẩy cải cách về quy tắc xuất xứ, nâng cao chất lượng quản lý hàng hóa, mở rộng tiếp cận các dịch vụ logistics, tài chính và bảo hiểm. Nhờ đó, các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, nông - thủy sản... ngày càng được đón nhận rộng rãi tại Pháp, từ đó tạo đà lan tỏa thuận lợi sang các thị trường EU khác.
Bên cạnh đó, nông sản chế biến như cà phê, hạt điều, và trái cây nhiệt đới cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ vào chiến lược xây dựng thương hiệu và quảng bá chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường tại Pháp đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào sản phẩm xanh và phát triển bền vững.
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, năm 2024, thương mại Việt - Pháp đạt gần 5,4 tỷ USD, tăng hơn 10% so với mức 4,8 tỷ USD của năm 2023.
Ở chiều xuất khẩu, Việt Nam xuất sang Pháp 3,45 tỷ USD hàng hóa các loại, tăng so với 3,16 tỷ USD của năm 2023. Ngược lại, nhập khẩu từ Pháp 1,93 tỷ USD, tăng 18%, tương ứng tăng thêm gần 300 triệu USD so với năm trước đó.
Trong khối 27 nước EU, xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đứng thứ 6, sau Hà Lan (13 tỷ USD), Đức (gần 7,9 tỷ USD), Italia (5 tỷ USD), Tây Ban Nha (4,05 tỷ USD), Bỉ (3,81 tỷ USD).
4 tháng đầu năm 2025, thương mại 2 chiều xấp xỉ 1,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Pháp gần 1,3 tỷ USD, tăng 19,2%, nhập khẩu từ Pháp 530 triệu USD.
Việc duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong năm 2024 và những tháng đầu năm nay cho thấy Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng tại Pháp, một trong những trung tâm thương mại quan trọng tại châu Âu.
Ngược lại, nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam cũng đạt kết quả tích cực, với các sản phẩm công nghệ cao, dược phẩm, máy móc, và thiết bị công nghiệp. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu nâng cấp công nghệ và phát triển công nghiệp trong nước mà còn thúc đẩy cân bằng thương mại song phương.
Ngoài EVFTA đã thực thi gần 5 năm, đà tăng trưởng thương mại và các hoạt động đầu tư tiếp tục được củng cố với dấu ấn hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện” vào tháng 10 năm ngoái. Sự kiện không chỉ củng cố liên kết chính trị - ngoại giao mà còn khởi động giai đoạn hợp tác kinh tế - thương mại sâu rộng hơn.
Ông Vũ Anh Sơn, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp lưu ý, dù EVFTA thực thi đã giúp xóa bỏ phần lớn thuế quan, nhưng hàng hóa Việt Nam xuất sang Pháp vẫn phải trải qua quá trình chứng nhận chất lượng, kiểm định an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rất chặt chẽ.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Pháp trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất và đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D) để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này, đặc biệt về vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Việc xây dựng thương hiệu và mở rộng mạng lưới phân phối tại Pháp cũng là yếu tố then chốt. Doanh nghiệp nên tham gia nhiều hơn các hội chợ thương mại quốc tế, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, nhằm quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác chiến lược tại thị trường này.