OPEC+ tiếp tục bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu, bất kể áp lực của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã đồng ý tiếp tục với kế hoạch sản lượng hiện tại và quyết định không nới lỏng thêm sản lượng khi giá dầu thô tăng cao trong nhiều năm bất kể áp lực của Mỹ và các quốc gia lớn khác.
OPEC+ tiếp tục bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu, bất kể áp lực của Mỹ

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (4/11) rằng: “Quyết định được đưa ra trước đây là tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng và tôi nhấn mạnh là hàng tháng cho đến cuối năm 2022. Hôm nay, quyết định này được nhắc lại để duy trì các tham số đã được quyết định trước đó”.

Khi được hỏi tại sao OPEC+ không tăng mức sản xuất bất kể những lời phàn nàn và yêu cầu từ các quốc gia tiêu thụ dầu như Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, ông Novak trả lời rằng, OPEC+ đang duy trì sự cân bằng thị trường và vẫn cảnh giác với những thay đổi tiềm năng về nhu cầu.

“Từ tháng 8 đến nay, chúng tôi đã bổ sung thêm 2 triệu thùng dầu cho thị trường. Vì vậy, theo kế hoạch, chúng tôi đang cung cấp cho thị trường ngày càng nhiều khối lượng hơn vì nhu cầu đang phục hồi, đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu có xu hướng giảm theo mùa trong quý IV và đầu năm, và cũng có một số dấu hiệu như sự sụt giảm nhu cầu sản phẩm dầu ở EU vào tháng 10 mà chúng tôi đã quan sát thấy”, ông cho biết.

Ông cho biết, điều này "về cơ bản nhấn mạnh thực tế là nhu cầu dầu toàn cầu vẫn đang chịu áp lực từ biến thể delta và do việc duy trì các biện pháp hạn chế khác nhau để kiểm soát Covid-19 ở một số quốc gia”.

Giá dầu gần đây đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2014 và các nước nhập khẩu dầu thô đang chịu nhiều ảnh hưởng.

Tổng thống Joe Biden đã nói rằng, sự miễn cưỡng của OPEC+ trong việc bơm thêm dầu vào nguyên nhân khiến giá năng lượng ở Mỹ và trên thế giới tăng mạnh.

"Ý tưởng rằng, Nga, Ả Rập Xê Út và các nhà sản xuất lớn khác sẽ không bơm thêm dầu để mọi người có thể có xăng đi và đến nơi làm việc là không đúng", Tổng thống Biden cho biết tại cuộc họp G20 ở Rome.

Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei đã nhấn mạnh, sự tập trung vào cung cầu khi trả lời các câu hỏi của phóng viên về sự thất vọng của các quốc gia tiêu thụ đối với giá dầu hiện tại.

“Tôi muốn nhắc lại tầm quan trọng của các quốc gia tiêu thụ đối với chúng tôi với tư cách là nhà sản xuất. Họ là đối tác của chúng tôi, chúng tôi làm việc với họ để tiến tới phục hồi suôn sẻ sau đại dịch”, ông Al Mazrouei cho biết.

“Vì vậy, điều quan trọng đối với chúng tôi là nhóm các nhà sản xuất phải thực hiện các biện pháp phù hợp, giải quyết những lo ngại mà chúng tôi đã nhận được từ nhiều quốc gia”, ông nói và cho biết thêm rằng, ông dự kiến ​​tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ xảy ra vào quý I/2022.

Bộ trưởng UAE cho biết, kế hoạch tăng 400.000 thùng/ngày sẽ "đưa chúng tôi đến vị trí tái cân bằng thị trường một cách suôn sẻ và chúng tôi đang hy vọng rằng, sẽ diễn ra trong quý I và quý II/2022”.

Giá khí đốt và than đá tăng mạnh

Một số bộ trưởng OPEC tại cuộc họp đã chỉ ra giá các mặt hàng khác như khí đốt và than đá tăng vọt để lập luận rằng, các thị trường dầu may mắn được OPEC+ điều tiết nguồn cung.

“Nếu nhìn vào thị trường khí đốt hay than đá thì việc không có người điều hành thị trường sẽ gây khó khăn cho các quốc gia tiêu thụ khi giá hàng hóa tăng mạnh. Chúng tôi chưa thấy điều đó xảy ra với dầu ở mức độ tương tự vì OPEC+”, Al Mazrouei cho biết.

Kể từ đầu tháng 3 năm nay, giá khí đốt tự nhiên của EU đã tăng tới 618% và tới 127% tại Mỹ, trong khi giá than của EU đã tăng vọt tới 334% và các mặt hàng đã chạm đỉnh vào đầu tháng 10. Trong khi đó giá dầu Brent đã tăng tới 36% kể từ đầu tháng 3.

"Dầu không phải là vấn đề. Vấn đề là khu phức hợp năng lượng đang trải qua sự tàn phá và thiệt hại”, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Abdulaziz bin Salman nói với các phóng viên.

“OPEC đã nói rõ rằng, chúng tôi không nhìn vào giá cả mà chúng tôi đang xem xét cung và cầu. Và nguồn cung hiện không đủ để phản ứng với những gì đang xảy ra trên thị trường, đặc biệt là khi so sánh dầu mỏ với những gì đang diễn ra trên thị trường khí đốt. Là một tổ chức có trách nhiệm, đã đến lúc chỉ cần quan sát thị trường”, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Nigeria Timipre Sylva cho biết.

Mặt khác, một số các thành viên của OPEC+, đặc biệt là Nigeria và Angola đã phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch sản xuất, do đó nếu sản lượng OPEC cao hơn và giá dầu thấp hơn sẽ dẫn đến doanh thu thấp hơn cho các quốc gia đó.

“Tất nhiên, giá dầu trên 80 USD/thùng là một lý do khác khiến OPEC+ không vội vàng bổ sung nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là khi các nhà sản xuất Mỹ tỏ ra ít có xu hướng tăng sản lượng”, Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa chính tại Capital Economics cho biết.

“Điều đó nói lên rằng, sự gia tăng dần dần của sản lượng OPEC+ trong suốt năm tới cùng với sự tăng trưởng của sản lượng dầu ngoài OPEC sẽ khiến thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng thặng dư. Do đó, chúng tôi dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống khoảng 60 USD/thùng vào cuối năm 2022”, ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo CNBC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục