OPEC+ tập trung vào việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất sau khi hoãn tăng sản lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) OPEC+ một lần nữa đang siết chặt việc tuân thủ đối với việc cắt giảm sản lượng dầu của các quốc gia thành viên.
OPEC+ tập trung vào việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất sau khi hoãn tăng sản lượng

Theo CNBC, hai đại biểu OPEC+ cho biết liên minh đã tập trung hơn vào việc các thành viên tuân thủ các cam kết về sản lượng, trong bối cảnh sản lượng được bơm quá hạn ngạch từ các thành viên lớn như Iraq và Kazakhstan.

Một trong những nguồn tin cho biết, Nga đôi khi cũng vượt quá hạn ngạch được giao theo chính sách chính thức của liên minh.

Các quốc gia thành viên OPEC+ dự kiến ​​sẽ bắt đầu cung cấp ra thị trường 2,2 triệu thùng/ngày đã cắt giảm tự nguyện từ tháng 10. Nhưng đầu tháng này, kế hoạch đã bị hoãn sang đầu tháng 12.

Việc không tuân thủ hạn ngạch đã phủ bóng đen lên uy tín của ý định cắt giảm sản lượng của OPEC+, vào thời điểm thị trường bất ổn trầm trọng hơn do xung đột ở Trung Đông và sự phục hồi mong manh hậu Covid tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Trung Quốc.

Giá dầu vẫn ở mức thấp trong phần lớn thời gian của năm nay và đã giảm mạnh vào hôm 26/9 sau một báo cáo của Financial Times nêu rằng quốc gia dẫn đầu OPEC+ trên thực tế là Ả Rập Xê Út đã chuẩn bị chấp nhận giá dầu thấp hơn và từ bỏ mục tiêu giá không chính thức là 100 USD/thùng để chuẩn bị tăng sản lượng sau tháng 12.

"Tôi cho rằng Ả Rập Xê Út đang gửi lời cảnh báo đến những quốc gia không tuân thủ hạn ngạch trong liên minh. Bởi vì tôi nghĩ Ả Rập Xê Út đã gánh chịu phần lớn gánh nặng từ việc cắt giảm sản lượng", Carole Nakhle, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Crystol Energy cho biết.

Các bộ trưởng OPEC+ trước đây đã nhấn mạnh rằng các chính sách của họ nhắm vào các kho dự trữ toàn cầu đang giảm dần thay vì một mức giá cụ thể, mặc dù các quyết định thắt chặt nguồn cung thường hỗ trợ cho hợp đồng tương lai dầu thô trong dài hạn. Nhưng một số quốc gia thành viên đã củng cố ngân sách hàng năm của mình dựa trên giả định về mức giá hòa vốn tài chính, mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính phải đạt 96,2 USD để Ả Rập Xê Út có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính trong năm nay.

Ả Rập Xê Út đang mắc kẹt trong một chương trình rộng lớn và tốn kém kéo dài 14 siêu dự án, bao gồm cả dự án phát triển sa mạc Neom trong tương lai, để hiện thực hóa tham vọng đa dạng hóa kinh tế của Thái tử Saudi Mohammed bin Salman nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ.

Bất chấp áp lực kinh tế khi thực thi chương trình Tầm nhìn 2030, Ả Rập Xê Út vẫn chưa thay đổi cách tiếp cận OPEC+ của mình và không nhắm mục tiêu vào giá dầu cụ thể, và nước này có thể định hình lại ngân sách hoặc củng cố ngân sách thông qua các nguồn thu thay thế, không phải từ dầu mỏ.

Viễn cảnh Ả Rập Xê Út sử dụng năng lực sản xuất khổng lồ của mình để giải quyết các tranh chấp của OPEC+ không phải là chưa từng có tiền lệ. Vào năm 2020, Ả Rập Xê Út và Nga đã tham gia vào cuộc chiến về giá kéo dài nhiều tuần sau khi liên minh OPEC+ đột ngột tan rã nhưng thoáng qua, làm tràn ngập thị trường vào thời điểm nguồn cung đã dư thừa và nhu cầu cạn kiệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng, và đưa hợp đồng tương lai giá dầu WTI vào vùng âm trong thời gian ngắn.

OPEC+ nhận được số liệu sản xuất hàng tháng - hỗ trợ tính toán mức độ tuân thủ của các thành viên - từ bảy nguồn thứ cấp độc lập. Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung của liên minh - nhóm kỹ thuật giám sát mức độ tuân thủ của OPEC+ - dự kiến ​​sẽ họp vào ngày 2/10.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục