Theo kế hoạch trước đó, Ả Rập Xê Út và 7 quốc gia thành viên khác của OPEC+ sẽ hủy bỏ các đợt cắt giảm sản lượng từ đầu tháng 10. Nhưng việc trì hoãn thêm hai tháng đã làm dấy lên đồn đoán về việc liệu OPEC+ có thể tăng sản lượng hay không khi giá dầu Brent đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng trong tháng này, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Tuy nhiên, nguồn tin cho biết, các quan chức tại Ả Rập Xê Út cam kết sẽ đưa sản lượng trở lại theo kế hoạch vào ngày 1/12, ngay cả khi điều này dẫn đến tình trạng giá giảm kéo dài.
Điều này thể hiện sự thay đổi lớn về chiến thuật của Ả Rập Xê Út - quốc gia dẫn đầu các thành viên khác của OPEC+ trong việc liên tục cắt giảm sản lượng kể từ tháng 11/2022 nhằm duy trì mức giá cao.
Diễn biến giá dầu Brent |
Giá dầu Brent trung bình đạt 99 USD/thùng vào năm 2022, mức cao nhất trong 8 năm qua do tác động từ xung đột Nga-Ukraine đã làm rung chuyển thị trường, nhưng sau đó giá dầu đã giảm trở lại.
Nguồn cung tăng từ các nhà sản xuất ngoài OPEC, đặc biệt là Mỹ kết hợp với nhu cầu tăng trưởng yếu đi ở Trung Quốc đã làm giảm tác động của việc cắt giảm của OPEC+ theo thời gian. Tính đến tháng 9/2024, giá dầu Brent trung bình đạt 73 USD/thùng, ngay cả khi xung đột của Israel với Hamas có nguy cơ dẫn tới một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ả Rập Xê Út cần giá dầu gần 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách khi Thái tử Mohammed bin Salman tìm cách tài trợ cho một loạt dự án lớn nằm trong trọng tâm của một chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng.
Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út có thể đã quyết định không muốn tiếp tục nhượng bộ thị phần cho các nhà sản xuất dầu khác. Họ cũng tin rằng họ có đủ các lựa chọn tài trợ thay thế để vượt qua giai đoạn giá thấp hơn, chẳng hạn như khai thác dự trữ ngoại hối hoặc phát hành trái phiếu chính phủ.
Một thập kỷ trước, Ả Rập Xê Út đã chấm dứt kỷ nguyên dầu mỏ 100 USD/thùng khi quyết định tăng sản lượng bất chấp giá giảm vào năm 2014 trong nỗ lực ngăn chặn sự nổi lên nhanh chóng của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.
Gần đây hơn, Ả Rập Xê Út đã tìm cách tối đa hóa doanh thu, cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá.
Cho đến nay, Ả Rập Xê Út đã gánh vác phần lớn các khoản cắt giảm sản lượng của OPEC+, với mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày trong hai năm qua, chiếm hơn 1/3 sản lượng cắt giảm của các quốc gia thành viên.
Ả Rập Xê Út hiện đang cung cấp 8,9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ năm 2011, không tính đến thời điểm đại dịch Covid và cuộc tấn công vào cơ sở tinh chế của công ty dầu khí Abqaiq vào năm 2019.
Theo kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ các đợt cắt giảm sản lượng, Ả Rập Xê Út sẽ tăng sản lượng hàng tháng thêm 83.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 12/2024, sau đó tăng tổng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 12/2025.