Theo báo cáo hàng tháng mới nhất được công bố hôm thứ Hai (12/8), OPEC đã hạ dự báo về tăng trưởng nhu cầu toàn cầu vào năm 2024 xuống 135.000 thùng/ngày. Đây là thay đổi đáng kể đầu tiên đối với dự báo nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với phần còn lại của ngành dầu mỏ.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) phải quyết định trong những tuần tới về việc liệu có nên tiếp tục kế hoạch khôi phục sản lượng đã cắt giảm bắt đầu từ tháng 10 hay không. Tại một cuộc họp đánh giá đầu tháng này, liên minh đã tái khẳng định rằng họ có thể "tạm dừng hoặc đảo ngược" mức tăng, "tùy thuộc vào điều kiện thị trường hiện hữu".
Giá dầu đã dao động mạnh trong những tuần gần đây khi những lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông được bù đắp bởi những dấu hiệu tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và Mỹ, những quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Giá dầu Brent đang giao dịch ở mức gần 80 USD/thùng, đây được xem là mức giá thấp đối với nhiều thành viên OPEC+ để trang trải chi tiêu của chính phủ.
"Sự điều chỉnh nhẹ này phản ánh dữ liệu thực tế cho quý đầu tiên và quý hai, cũng như làm giảm kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc vào năm 2024", báo cáo cho biết.
Ngay cả điều chỉnh giảm giảm, OPEC vẫn nhận thấy mức tiêu thụ dầu tăng trong năm nay với mức 2,1 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 104,3 triệu thùng/ngày.
Dự báo của OPEC vẫn cao hơn mức tăng trưởng thông thường trước đại dịch và cao hơn kỳ vọng của nhiều công ty kinh doanh hàng hóa lớn và các ngân hàng đầu tư Phố Wall. Ước tính của OPEC cũng cao hơn nhiều so với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và ở mức cao nhất trong phạm vi mà Saudi Aramco dự đoán.
OPEC+ đã hạn chế sản lượng trong gần hai năm nhằm ngăn chặn tình trạng thặng dư bị đe dọa bởi nguồn cung tăng vọt từ khắp châu Mỹ, dẫn đầu là Mỹ, Brazil và Guyana. OPEC+ tạm thời có kế hoạch khôi phục khoảng 543.000 thùng/ngày trong quý IV, giai đoạn đầu tiên trong việc khôi phục 2,2 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2025.
Giá dầu hiện đang được hỗ trợ bởi nỗi lo về một cuộc xung đột toàn diện ở Trung Đông, với các thị trường đang chuẩn bị cho cuộc tấn công trả đũa của Iran vào Israel. Tâm lý cũng được thúc đẩy bởi cuộc giao tranh dữ dội giữa Nga và Ukraine đe dọa nguồn cung năng lượng cho châu Âu, việc đóng cửa mỏ dầu lớn nhất của Libya và dữ liệu kinh tế khả quan hơn làm giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Tuy nhiên, giá vẫn tiếp tục chịu áp lực do lo ngại dai dẳng về nền kinh tế Trung Quốc chậm lại làm giảm nhu cầu và sự không chắc chắn xung quanh thời điểm cắt giảm lãi suất ở Mỹ, vì thị trường đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết về con đường lạm phát để xác nhận thêm kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Các ngân hàng trung ương chủ chốt dự kiến sẽ áp dụng các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn vào nửa cuối năm và trong suốt năm 2025, mặc dù vẫn còn những bất ổn liên quan đến quỹ đạo lạm phát cơ bản trong ngắn hạn.
"Sự gia tăng gần đây về biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu vào đầu tháng 8 cũng có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương xem xét các biện pháp cân bằng, củng cố lập luận về việc hạ lãi suất chính sách chủ chốt trong những tháng tới", báo cáo của OPEC cho biết.
Ngoài ra, OPEC đã nâng ước tính tăng trưởng kinh tế tại Mỹ lên 2,4% trong năm nay từ mức 2,2% trước đó. Ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu được duy trì ở mức 2,9% cho năm nay và năm sau, với mức tăng trưởng tại khu vực đồng euro vẫn được dự báo lần lượt là 0,7% và 1,2%.