OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn dự kiến khi giá dầu tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Năm (2/6), OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng trong tháng 7 và tháng 8 với số lượng lớn hơn dự kiến ​​khi xung đột Nga - Ukraine tàn phá thị trường năng lượng toàn cầu.
OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn dự kiến khi giá dầu tăng mạnh

Theo đó, OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong cả tháng 7 và tháng 8, dẫn đến việc kết thúc đợt cắt giảm sản lượng lịch sử mà OPEC+ đã thực hiện trong thời kỳ đại dịch.

OPEC+ đã dần trả lại gần 10 triệu thùng mỗi ngày mà họ đã đồng ý rút khỏi thị trường dầu vào tháng 4/2020. Trong những tháng gần đây, sản lượng đã tăng từ 400.000 đến 432.000 thùng/ngày mỗi tháng.

Quyết định này được đưa ra khi thế giới đang vật lộn với giá năng lượng tăng cao. Các chính phủ, bao gồm cả chính quyền Biden đã kêu gọi các nhà sản xuất tăng sản lượng trong một nỗ lực để giảm bớt đà tăng mạnh của giá dầu.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, chính quyền Tổng thống Biden hoan nghênh thông báo của OPEC+.

“Chúng tôi ghi nhận vai trò của Ả Rập Xê Út với tư cách là chủ tịch của OPEC+ và nhà sản xuất lớn nhất của nhóm trong việc đạt được sự đồng thuận này giữa các thành viên nhóm”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết và nói thêm rằng: “Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ để giải quyết áp lực về giá năng lượng”.

Về lý thuyết, sản lượng sẽ cao hơn trong tương lai nhưng số lượng thùng dầu bổ sung dự kiến ​​tung ra thị trường sẽ không bù đắp cho khoản thiệt hại tiềm tàng hơn một triệu thùng mỗi ngày từ Nga khi các quốc gia trên thế giới gia tăng các lệnh trừng phạt lên nước này.

Các nhà lãnh đạo EU hôm 30/5 đã đồng ý cấm 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay như một phần của gói trừng phạt thứ sáu của khối đối với Nga.

Vào tháng 3, giá dầu thô đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 và duy trì vững chắc trên mức 100 USD/thùng. Sự gia tăng nhanh chóng là một nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao hàng thập kỷ qua các nền kinh tế.

Theo FT, Ả Rập Xê Út vẫn chưa thấy sự thiếu hụt thực sự trên thị trường dầu mỏ. Nhưng tình hình đó có thể thay đổi khi các nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại trong bối cảnh đại dịch phục hồi và khiến nhu cầu dầu thô tăng cao. Trung Quốc đang bắt đầu nới lỏng các hạn chế khi các số ca nhiễm Covid hàng ngày giảm dần.

“Điều này sẽ được các nhà lãnh đạo phương Tây đón nhận vì lạm phát và kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức cao và các ngân hàng trung ương đang cố gắng tăng lãi suất trước nguy cơ đưa nền kinh tế của họ rơi vào suy thoái”, Matt Simpson, nhà phân tích thị trường tại nền tảng giao dịch City Index cho biết.

Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ được tổ chức vào ngày 30/6.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục