“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy viễn cảnh này. Thế giới cần thức tỉnh trước một thực tế đang tồn tại. Thế giới đang cạn kiệt năng lượng ở mọi cấp độ”, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết khi đề cập đến sự tăng giá gần đây đối với các sản phẩm tinh chế.
Bộ trưởng Năng lượng UAE, Hoàng tử Suhail al Mazrouei cho biết trong cùng một hội đồng rằng, nếu không có thêm đầu tư trên toàn cầu, OPEC+ sẽ không thể đảm bảo cung cấp đủ dầu khi nhu cầu hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.
Ả Rập Xê Út và UAE là một trong số ít các nhà sản xuất đầu tư vào sản lượng lớn hơn. Họ đang chi hàng tỷ đô la để nâng công suất dầu thô thêm 2 triệu thùng/ngày vào cuối thập kỷ này. Trong khi hầu hết những quốc gia sản xuất khác đang phải vật lộn để có được nguồn vốn khi các cổ đông và chính phủ khuyến khích chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, Hoàng tử Suhail al Mazrouei cho rằng, hiện tại không có tình trạng thiếu dầu và do đó OPEC+ không cần phải đẩy nhanh việc tăng dần sản lượng của mình.
“Thị trường đang cân bằng”, Hoàng tử Suhail al Mazrouei cho biết.
Trước đó, OPEC+ đã phải chịu áp lực từ Mỹ, châu Âu và các nhà nhập khẩu lớn khác để thúc đẩy nguồn cung nhanh chóng hơn.
Giá dầu thô đã tăng hơn 35% trong năm nay lên khoảng 105 USD/thùng, chủ yếu do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng đang tiến gần hơn tới một lệnh cấm vận chính thức đối với hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga nhằm trừng phạt Moscow.
OPEC+ đã đồng ý mức tăng 432.000 thùng/ngày trong tháng 6 tại cuộc họp gần nhất vào ngày 5/5. Các nhà sản xuất đang gặp nhiều thách thức để có thể đạt được mục tiêu hàng tháng khiêm tốn đó với nhiều thành viên bơm dưới hạn ngạch của họ.
Hoàng tử Abdulaziz nhắc lại rằng OPEC+ sẽ không cho phép địa chính trị ảnh hưởng đến các quyết định của mình. Mỹ đã cố gắng khiến Ả Rập Xê Út và UAE tách khỏi Nga kể từ xung đột leo thang với Ukraine.
Hoàng tử Mazrouei cho biết, giá đã bị đẩy lên do "chính trị hóa" thị trường dầu mỏ.