OPEC+ tăng sản lượng khiêm tốn sau khi EU ra lệnh trừng phạt với dầu thô của Nga

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Năm (5/5), OPEC+ đã đồng ý ấn định mức tăng sản lượng nhỏ khác cho tháng 6 trong bối cảnh lo ngại dai dẳng về nhu cầu của Trung Quốc yếu hơn và ngay sau khi khối thương mại lớn nhất thế giới EU đưa ra các đề xuất về các biện pháp trừng phạt mới đối với dầu thô của Nga.
OPEC+ tăng sản lượng khiêm tốn sau khi EU ra lệnh trừng phạt với dầu thô của Nga

Theo đó, OPEC+ đã quyết định nâng mục tiêu sản lượng lên 432.000 thùng/ngày trong tháng 6, bám sát chiến lược hiện tại là tháo gỡ dần việc cắt giảm nguồn cung kỷ lục. OPEC+ sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 2/6.

Sau khi giải cứu ngành dầu mỏ thế giới với việc cắt giảm sản lượng lớn vào năm 2020 và thúc đẩy sự phục hồi vào năm ngoái bằng cách tăng dần sản lượng trở lại, OPEC+ hiện đang chứng kiến mức độ sản xuất giảm xuống khi các quốc gia rơi vào tình trạng sản lượng bị giới hạn. Theo dữ liệu của Bloomberg, các quốc gia trong nhóm đã không thể tăng sản lượng vào tháng trước một cách hiệu quả.

“Nguồn cung ổn định của OPEC kể từ giữa năm 2021 dường như sắp cạn kiệt. Với rủi ro nguồn cung gia tăng khi các lệnh trừng phạt của Nga có hiệu lực, năng lực ổn định giá dầu của tổ chức đang bốc hơi”, Bill Farren-Price, Giám đốc tại Enverus Intelligence Research cho biết.

Ajay Parmar, nhà phân tích thị trường dầu mỏ cao cấp tại dịch vụ tình báo hàng hóa ICIS cho biết: “OPEC+ không có khả năng cung cấp thêm dầu vào thị trường để giải quyết tình trạng thắt chặt thị trường vì họ rất hài lòng với mức giá duy trì trên 100 USD/thùng”.

“Bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về nguồn cung bổ sung từ OPEC+ sẽ đe dọa mức giá cao này, thay vào đó, họ dự kiến ​​sẽ tiếp tục giành lại thị phần chậm chạp trong suốt năm 2022”, ông cho biết.

Cuộc họp mới nhất của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nguồn cung đang diễn ra. Hôm thứ Tư (4/5), EU đã công bố kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của Nga trong vòng sáu tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay trong vòng trừng phạt kinh tế mới nhất của họ.

Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao của PVM Oil Associates ở London kỳ vọng rằng, OPEC+ sẽ “không thay đổi” trước viễn cảnh nguồn cung dầu của Nga ngày càng thiếu hụt ngay cả khi một số quốc gia thành viên phải vật lộn để đạt được mục tiêu sản xuất của họ.

“Kết quả là lỗ hổng về hạn ngạch của OPEC+ sẽ mở rộng trong thời gian tới. Tất cả những điều này dẫn đến thâm hụt nguồn cung lớn hơn dự kiến ​​trong những tháng tới. Nguồn cung thắt chặt nền báo hiệu tốt cho giá và sẽ mang lại lợi thế cho những người đầu cơ giá lên dầu, ít nhất là trong ngắn hạn. Nói một cách đơn giản, hiện tại có nhiều lý do để lạc quan hơn về xu hướng tăng hơn là giảm giá”, ông cho biết.

Mặt khác, với giá dầu ở mức cao kỷ lục, nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm buộc OPEC tuân theo luật chống độc quyền của Mỹ đang tăng tốc. Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ dự kiến ​​sẽ thông qua dự luật Dự luật Không Sản xuất và Xuất khẩu Dầu (NOPEC) trong tuần này. Một cuộc bỏ phiếu của ủy ban sẽ mở đường cho việc Thượng viện xem xét đầy đủ luật pháp và điều này sẽ cho phép Mỹ kiện OPEC vì tội thao túng thị trường năng lượng.

Trong đó, NOPEC nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ khỏi sự gia tăng đột biến về chi phí xăng và dầu sưởi, nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc thực hiện dự luật này cũng có thể gây ra một số hậu quả nguy hiểm không lường trước được.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục