Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban thị trường mở (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất của Mỹ và không có kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay. Fed cũng sẽ giảm dần lượng trái phiếu nắm giữ trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10. Bắt đầu từ tháng 10, Fed có kế hoạch tái đầu tư chứng khoán được thế chấp vào Kho bạc Hoa Kỳ.
Tuyên bố cũng cho biết, thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh nhưng tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chậm lại một chút, bằng chứng là chi tiêu hộ gia đình chậm hơn và đầu tư kinh doanh thấp hơn.
Các thành viên FOMC cho biết, áp lực lạm phát đã giảm bớt, chủ yếu là do giá năng lượng thấp hơn.
Sau thông tin trên, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã hồi phục trở lại sau khi giảm sâu giữa phiên. Tuy nhiên, chỉ có Nasdaq may mắn giữ được sắc xanh khi chốt phiên, còn Dow Jones giảm sâu trở lại, S&P cũng đánh mất sắc xanh khi chốt phiên.
Trước đó, việc Tổng thống Trump tuyên bố thỏa thuận thuế quan với Trung Quốc vẫn còn một thời gian dài nữa khiến phố Wall chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa phiên giao dịch thứ Tư.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Dow Jones giảm 141,71 điểm (-0,55%), xuống 25.745,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,34 điểm (-0,29%), xuống 2.824,23 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 5,02 điểm (+0,07%), lên 7.728,97 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ với mức giảm khá mạnh, nhất là chứng khoán Đức. Ngoài việc phản ứng tiêu cực với tuyên bố của Tổng thống Trump về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, chứng khoán châu Âu, nhất là chứng khoán Đức còn chịu tác động từ đà giảm của 2 đại gia Bayer và BMW.
Cổ phiếu BMW giảm tới 4,9% sau khi đại gia sản xuất ô tô cảnh báo lợi nhuận yếu, cổ phiếu Bayer cũng giảm mạnh sau khi bồi thẩm đoàn ở San Francisco (Mỹ) trở thành địa phương thứ 2 chống lại sản phẩm Rounder của Bayer. Đây là sản phẩm được thêm vào năm ngoái của Bayer khi đại gia dược của Đức này mua lại Monsanto.
Bên cạnh đó, chứng khoán châu Âu cũng thất vọng với việc Quốc hội Anh gia hạn thời gian đàm phán mới về Brexit cho chính quyền Thủ tướng Theresa May chỉ 3 tháng, ngắn hơn so với dự đoán.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 32,99 điểm (-0,45%), xuống 7.291,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 184,52 điểm (-1,57%), xuống 11.603,89 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 43,24 điểm (-0,80%), xuống 5.382,66 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, đa số các thị trường trong khu vực cũng giảm điểm sau thông tin Tổng thống Trump đưa ra thông tin thiếu tích cực về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 47,07 điểm (+0,20%), lên 21.608,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,33 điểm (-0,01%), xuống 3.090,64 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 145,31 điểm (-0,49%), xuống 29.320,97 điểm.
Việc rủi ro ra tăng sau những thông tin bất lợi, cùng với việc Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp vừa diễn ra, cũng như khả năng không tăng trong năm nay giúp giá vàng tăng vọt trong ít phút cuối phiên Mỹ. Trong khi giá vàng tương lai đóng cửa trước giảm giá, nhưng cũng tăng vọt trở lại ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm (21/3) trên thị trường châu Á.
Kết thúc phiên 20/3, giá vàng giao ngay tăng 6,4 USD (+0,49%), lên 1.312,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 4,8 USD (-0,37%), xuống 1.301,7 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Mỹ tăng lên mức cao nhất 4 tuần trong phiên thứ Tư, có lúc lên trên ngưỡng 60 USD/thùng sau dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy kho dự trữ tuần trước sụt giảm 9,6 triệu thùng, trong khi giới phân tích kỳ vọng tăng 309.000 thùng. Đây là tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2018 và đưa kho dự trữ dầu thô của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019.
Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, cũng như tiến triển không tích cực của đàm phán thương mại Mỹ - Trung, ảnh hưởng đến nhu cầu với loại năng lượng này.
Kết thúc phiên 20/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,94 USD (+1,60), lên 60,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,89 USD (+1,32%), lên 68,50 USD/thùng.