Trung Quốc lại làm giới đầu tư lo lắng

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới các thị trường trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/3).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau 2 phiên tăng điểm tốt, phố Wall giằng co trong phiên thứ Năm khi những thông tin kinh tế tích cực của Mỹ trước đó bị ảnh hưởng bởi dữ liệu kinh tế kém lạc quan của Trung Quốc vừa công bố.

Ngoài ra, một thông tin khác cũng ảnh hưởng tới giới đầu tư là đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, các cuộc thảo luận với Trung Quốc để chấm dứt một cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng đang diễn ra nhanh chóng, mặc dù ông Trump cho rằng, không thể nói liệu có đạt được thỏa thuận cuối cùng hay không.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Florida trong tháng này, nhưng không có ngày nào được ấn định. Theo nguồn tin của Reuters rằng, có khả năng cuộc gặp sẽ diễn ra vào cuối tháng tới, nhưng nguồn tin của Bloomberg cho biết, cuộc gặp mặt này có khả năng diễn ra sớm nhất vào tháng 4.

Phố Wall giằng co trước các thông tin trên, trong đó Dow Jones đóng cửa có được sắc xanh nhạt, trong khi S&P 500 và Nasdaq chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 13/4, chỉ số Dow Jones tăng 7,05 điểm (+0,03%), lên 25.709,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,44 điểm (-0,09%), xuống 2.808,48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 12,50 điểm (-0,16%), xuống 7.630,91 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Năm, lên mức cao nhất 5 tháng nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi Quốc hội Anh bác bỏ về một Brexit không có thỏa thuận.

Kết thúc phiên 14/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 26,24 điểm (+0,37%), lên 7.185,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 15,06 điểm (+0,13%), lên 11.587,47 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 43,41 điểm (+0,82%), lên 5.349,78 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù thị trường chứng khoán Âu, Mỹ tăng tốt phiên hôm trước, nhưng chứng khoán châu Á không thể theo chân do chịu tác động tiêu cực từ dữ liệu kinh tế của Trung Quốc vừa công bố.

Cụ thể, sản lượng công nghiệp trong tháng 2 của Trung Quốc chỉ tăng 0,43% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ-  tốc độ chậm nhất trong 17 năm qua (từ năm 2002) và thấp hơn nhiều so với dự đoán. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ và đầu tư cơ sở hạ tầng cao hơn dự kiến (tăng lần lượt 8,2% và 6,1%).

Nhận được sự hỗ trợ từ cổ phiếu softbank và phố Wall phiên đêm trước, nhưng dữ liệu này khiến chứng khoán Nhật Bản gần như không đổi, chứng khoán Hồng Kông cũng chỉ tăng nhẹ, trong khi chứng khoán Trung Quốc quay đầu giảm mạnh.

Kết thúc phiên 14/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 3,22 điểm (-0,01%), xuống 21.287,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 36,27 điểm (-1,20%), xuống 2.990,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 43,94 điểm (+0,15%), lên 28.851,39 điểm.

Sau 2 phiên tăng mạnh, giá vàng đã đảo chiều giảm mạnh trả lại gần hết những gì có được của 2 phiên trước đó khi đồng USD vững chắc và dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu kém. Thông thường, đà tăng trưởng kinh tế sụt giảm sẽ hỗ trợ cho giá vàng, vì sẽ giúp gia tăng tính trú ẩn của kim loại quý này, nhưng Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại, trong đó có vàng lớn, nên sự yếu kém của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tác động tiêu cực lên giá vàng.

Kết thúc phiên 14/3, giá vàng giao ngay giảm 13,1 USD (-1,00%), xuống 1.295,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 14,2 USD (-1,09%), xuống 1.295,1 USD/ounce.

Sau phiên tăng mạnh trước đó, giá dầu thô cũng gặp khó khăn trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng từ thông tin kinh tế yếu kém của Trung Quốc.

Kết thúc phiên 14/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,27 USD (+0,46%), lên 58,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,37 USD (-0,55%), xuống 67,09 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục