Thêm nhiều nước cấm cửa 737 MAX 8, cổ phiếu Boeing tiếp tục rơi

(ĐTCK) Vụ tai nạn của máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Ethiopia khiến cổ phiếu của Boeing liên tiếp lao dốc.
Một chiếc Boeing 737 MAX (Ảnh: Internet) Một chiếc Boeing 737 MAX (Ảnh: Internet)

Sau phiên tăng điểm tốt đầu tuần, phố Wall đã có sự trái chiều trong phiên thứ Ba khi S&P 500 và Nasdaq tiếp tục duy trì đà tăng nhờ thông tin lạm phát trong kỳ vọng và Fed có thái độ ôn hòa với việc tăng lãi suất, trong khi Dow Jones quay đầu điều chỉnh do chịu sức ép từ cổ phiếu Boeing.

Cụ thể, theo báo cáo vừa công bố ngày thứ Hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ tăng 0,2% so với tháng 1, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Xét theo năm, CPI tăng 1,5%, dưới mục tiêu 2% của Fed và là mức thấp nhất trong 2,5 năm. Lam phạt thấp cho thấy không có vấn đề trong các nền kinh tế lớn trên thế giới, cho phép Fed giữ lãi suất thấp.

Trong khi đó, cổ phiếu Boeing tiếp tục giảm mạnh 6,13% trong phiên thứ Ba, tạo áp lực cho Dow Jones sau khi có thêm nhiều nước như Malaysia, Anh, Australia, Oman và bao gồm cả Liên minh châu Âu cấm dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 sau vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopia. 

Trước đó, Trung Quốc, Singapore, Mexico... Hiện có tổng cộng 10 nước đã ra lệnh cấm với Boeing 737 MAX. 

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Dow Jones giảm 96,22 điểm (-0,38%), xuống 25.554,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,22 điểm (+0,30%), lên 2.791,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 32,97 điểm (+0,44%), lên 7.591,03 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số giằng co và kết thúc không thay đổi nhiều trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Anh cho thỏa thuận Brexit mới có phần nhượng bộ của EC. Trong đó, chỉ số chứng khoán Anh đóng cửa với sắc xanh nhờ đồng bảng Anh giảm trở lại, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, chứng khoán Đức giảm nhẹ, còn chứng khoán Pháp gần như không đổi.

Tuy nhiên, vào cuối ngày thứ Ba, Quốc hội Anh một lần nữa bác bỏ thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May để rời EU lần thứ hai, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của đất nước.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 20,53 điểm (+0,29%), lên 7.151,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 19,31 điểm (-0,17%), xuống 11.524,17 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 4,30 điểm (+0,08%), lên 5.270,25 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng điểm với mức tăng rất tốt trong ngày thứ Ba, lên mức cao nhất 1 tuần nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ trên phố Wall trong phiên trước đó và đồng yên giảm giá. Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng tiếp tục duy trì đà tăng tốt nhờ thông tin lạc quan về đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi nhiều khả năng 2 bên đang đi đến 1 thỏa thuận chung.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 378,60 điểm (+1,97%), lên 21.503,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 33,31 điểm (+1,10%), lên 3.060,31 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 417,57 điểm (+1,46%), lên 28.920,87 điểm.

Trên thị trường vàng, sau phiên điều chỉnh đầu tuần, giá vàng đã lấy lại đà tăng mạnh trong phiên thứ Ba khi đồng USD giảm và nhu cầu tìm nơi trú ấn của nhà đầu tư gia tăng trước lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, lạm phát thấp và thái độ ôn hòa của Fed trong việc tăng lãi suất cũng hỗ trợ tích cực cho đà tăng của giá vàng.

Kết thúc phiên 12/3, giá vàng giao ngay tăng 8,5 USD (+0,66%), lên 1.301,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 7 USD (+0,54%), lên 1.298,1 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong ngày thứ Ba nhờ sự hỗ trợ bởi dấu hiệu thắt chặt nguồn cung của OPEC, trong khi việc mất diện làm gián đoạn sản xuất của Venezuela.

Kết thúc phiên 12/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,08 USD (+0,14%), lên 56,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,09 USD (+0,16%), lên 66,67 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục