Giới đầu tư phập phồng chờ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung

(ĐTCK) Chờ đợi thông tin chính thức từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung khiến giới đầu tư thận trong trong các phiên giao dịch tuần này.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Phố Wall tiếp tục có phiên sụt giảm trong ngày thứ Tư với mức giảm mạnh hơn nhiều so với các phiên trước đó. Đà giảm của phố Wall trong phiên thứ Tư do tác động của nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học và dược phẩm sau khi Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Scott Gottlieb bất ngờ từ chức.

Trong gần 2 năm dẫn dắt của Gottlieb, FDA đã nhiều lần nhanh chóng chấp thuận cho nhiều loại thuốc mới ra mắt thị trường, bao gồm cả các loại thuốc generic giá rẻ.

Ngoài ra, phố Wall còn chịu ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu giảm và cổ phiếu Exxon Mobil khi công ty dầu khí cho biết họ có kế hoạch tăng chi tiêu trong vài năm để khôi phục sản xuất dầu và khí đốt.

Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư chờ đợi thông tin chính thức từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng là một lý do quan trọng khiến phố Wall liên tục điều chỉnh trong những phiên gần đây. Thông tin tích cực từ thỏa thuận này đưa ra trước đó đã giúp phố Wall tăng mạnh trước đó.

Bảng lương trong lĩnh vực tư nhân (ADP) cho thấy, khu vực này tạo thêm 183.000 việc làm trong tháng 2, thấp hơn mức dự báo 187.500 việc làm của giới phân tích. Tuy nhiên, ADP cũng thay đổi báo cáo tháng 1 tăng lên 300.000 việc làm từ mức 213.000 như công bố ban đầu. Thị trường đang chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu (8/3).

Kết thúc phiên 6/3, chỉ số Dow Jones giảm 133,17 điểm (-0,52%), xuống 25.673,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,20 điểm (-0,65%), xuống 2.771,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 70,44 điểm (-0,93%), xuống 7.505,92 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh kịp trở lại ít phút cuối phiên, còn lại đều đảo chiều giảm điểm trong phiên thứ Tư do sự yếu kéo của cổ phiếu ô tô và niềm tin vào sự tăng trưởng của cổ phiếu có dấu hiệu sụt giảm trong nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 6/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 12,57 điểm (+0,17%), lên 7.196,00 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 33,11 điểm (-0,28%), xuống 11.587,63 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 8,70 điểm (-0,16%), xuống 5.288,81 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông phấn kích với sự kỳ vọng vào kế hoạch kích thích kinh tế của Bắc Kinh, thì chứng khoán Nhật Bản tiếp tục điều chỉnh trong phiên thứ Tư do chịu tác động của các phiên giao dịch yếu kém của phố Wall.

Kết thúc phiên 6/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 129,47 điểm (-0,60%), xuống 21.596,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 47,85 điểm (+1,57%), lên 3.102,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 76,00 điểm (+0,26%), lên 29.037,60 điểm.

Giá vang giao dịch lình xình trong suốt phiên thứ Năm và đóng cửa ít thay đổi, dù nhận được sự hỗ trợ từ đà yếu kém của thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 6/3, giá vàng giao ngay giảm 1,3 USD (-0,10%), xuống 1.286,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 2,9 USD (+0,23%), lên 1.287,6 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dữ liệu cho biết, tồn kho của Mỹ trong tuần trước tăng 7,07 triệu thùng, lên 452,93 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 12/2017, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 1,2 triệu thùng của phố Wall.

Kết thúc phiên 6/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,35 USD (-0,62%), xuống 56,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,07 USD (+0,11%), lên 65,93 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục