Giới đầu tư thận trọng trước các thông tin trái chiều

(ĐTCK) Phố Wall lình xình trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư thận trọng trước các thông tin trái chiều và chờ đợi các tin tức kinh tế quan trọng sắp công bố.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong phiên thứ Ba, phố Wall chỉ giao dịch lình xình quanh tham chiếu và các chỉ số chính đóng cửa gần như không đổi, dù vẫn tiếp tục có sắc đỏ khi nhà đầu tư thận trọng trước các thông tin tốt xấu đan xen nhau.

Theo đó, dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy, doanh số bán nhà mới của một gia đình ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng vào tháng 12/2018, nhưng mức tăng mạnh trong tháng 11 đã được điều chỉnh thấp hơn. Dữ liệu khác cho thấy sự phục hồi tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ rộng lớn vào tháng 2/2019 trong bối cảnh các đơn đặt hàng mới tăng vọt.  

Trong khi đó, sau khi giúp thị trường tăng vọt, thông tin về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung lại có vẻ khiến giới đầu tư đề phòng khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ từ chối một thỏa thuận thương mại không hoàn hảo, nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện một thỏa thuận.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng thận trọng chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào thứ Sáu với dự kiến tạo thêm 180.000 việc làm.

Kết thúc phiên 5/3, chỉ số Dow Jones giảm 13,02 điểm (-0,05%), xuống 25.806,63 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,16 điểm (-0,11%), xuống 2.789,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,21 điểm (-0,02%), xuống 7.576,36 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng điểm sau dữ liệu vừa công bố cho thấy, hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro tăng trong tháng 2, bù đắp thông tin tiêu cực từ Trung Quốc.

Kết thúc phiên 5/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 49,04 điểm (+0,69%), lên 7.183,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 28,08 điểm (+0,24%), lên 11.620,74 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 10,95 điểm (+0,21%), lên 5.297,52 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh theo đà giảm của phố Wall trong phiên trước đó, thì chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng điểm tốt sau khi Chính phủ nước này giảm thuế và khuyến khích vay để kích thích tăng trưởng. Chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng.

Dữ liệu vừa công bố cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 2 ở mức thấp nhất kể từ tháng 10.

Kết thúc phiên 5/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 95,76 điểm (-0,44%), xuống 21.726,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 26,67 điểm (+0,88%), lên 3.054,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 2,01 điểm (+0,00%), lên 28.961,60 điểm.

Trên thị trường vàng, giá vàng tiếp tục giảm khi nhà đầu tư vẫn thể hiện niềm tin vào các kênh có độ rủi ro, nhưng lợi nhuận lớn như chứng khoán nhờ các thông tin tích cực liên tục được công bố. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan kéo đồng USD lên mức cao nhất 2 tuần cũng gây áp lực lên giá vàng.

Kết thúc phiên 5/3, giá vàng giao ngay tăng 0,9 USD (+0,07%), lên 1.287,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 2,8 USD (-0,22%), xuống 1.284,7 USD/ounce.

Giá dầu thô ít thay đổi trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi thông tin chính thức về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và dữ liệu hàng tồn kho dầu thô tuần trước của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư.

Kết thúc phiên 5/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,03 USD (-0,05%), xuống 56,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,19 USD (+0,29%), lên 65,86 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục