Hôm thứ Năm (28/2), cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow cho biết, đã có những tiến bộ tuyệt vời trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và nói rằng, các nước đang hướng tới một thỏa thuận lịch sử đáng chú ý.
Ngoài ra, Bloomberg cho biết, một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình để ký một thỏa thuận cuối cùng có thể xảy ra ngay giữa tháng 3.
Ngoài ra, một báo cáo cho thấy, hoạt động sản xuất nhà máy của Trung Quốc có tháng tăng thứ 3 liên tiếp trong tháng 2, dù tốc độ chậm hơn.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, áp lực lạm phát được khống chế và thu nhập cá nhân của Mỹ giảm lần đầu tiên sau hơn 3 năm trong tháng Giêng. Điều này cho thấy, Fed có thể sẽ kiên nhẫn với việc tăng lãi suất của mình.
Những thông tin giúp phố Wall tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, đà tăng sau đó bị hãm lại khi Viện Quảng lý nguồn cung (ISM) công bố dữ liệu cho thấy, chỉ số hoạt động sản xuất ISM trong tháng 2 của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 và dưới mức mong đợi.
Kết thúc phiên 1/3, chỉ số Dow Jones tăng 110,32 điểm (+0,43%), lên 26.026,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,20 điểm (+0,69%), lên 2.803,69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 62,82 điểm (+0,83%), lên 7.595,35 điểm.
Trong tuần qua, trong khi Dow Jones điều chỉnh giảm 0,02%, chấm dứt chuỗi tuần tăng liên tiếp ở con số 9, thì chỉ số S&P 500 tiếp tục tăng 0,39% và đặc biệt Nasdaq tăng 0,90%, tuần tăng thứ 10 liên tiếp và là chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 1999.
Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng mạnh lên mức cao nhất 5 tháng trong phiên cuối tuần qua sau khi một loạt doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan, bất chấp việc ông Trump tạo ra những lo ngại mới trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất khu vực đồng euro lần đầu tiên giảm sau hơn 5 năm, nhưng doanh số bán lẻ của Đức đã tăng vọt và tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất khối vẫn ở mức thấp kỷ lục.
Nhiều doanh nghiệp hàng xa xỉ công bố kết quả kinh doanh ấn tượng, kéo nhóm cổ phiếu này tăng mạnh trong phiên cuối tuần. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn khác, cũng như khối tài chính cũng công bố kết quả kinh doanh khả quan, giúp thị trường tăng mạnh.
Tuy nhiên, đã giảm của thị trường hãm bớt cuối phiên khi dữ liệu kinh tế của Mỹ công bố cho thấy, hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 2 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016.
Kết thúc phiên 1/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 32,00 điểm (+0,45%), lên 7.106,73 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 86,04 điểm (+0,75%), lên 11.601,68 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 24,67 điểm (+0,47%), lên 5.265,19 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE tiếp tục giảm 1%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp, trong khi chỉ số DAX có tuần tăng thứ 5 liên tiếp với mức tăng 1,26% và chỉ số CAC40 tăng tuần thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,95%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng USD tăng vọt so với đồng yên giúp chứng khoán Nhật Bản bật tăng mạnh trong phiên cuối tuần. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cũng tăng mạnh sau khi MSCI nâng tỷ trọng các cổ phiếu lớn của Trung Quốc trong bộ chỉ số chuẩn toàn cầu.
Kết thúc phiên 1/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 217,53 điểm (+1,02%), lên 21.602,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 53,05 điểm (+1,80%), lên 2.994,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 178,99 điểm (+0,63%), lên 28.812,17 điểm.
Chỉ số Nikkei 225 có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,83%, trong khi dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng chỉ số Hang Seng lại điều chỉnh 0,01% sau khi tăng mạnh 7,12% tuần trước đó. Chỉ số Shanghai Composite có tuần tăng mạnh 6,77%, tuần tăng thứ 8 liên tiếp.
Trên thị trường vàng, với việc chứng khoán tăng mạnh, cùng với việc đồng USD tăng vọt đã khiến giá vàng lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 1/3, giá vàng giao ngay giảm 20 USD (-1,52%), xuống 1.292,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 21,6 USD (-1,64%), xuống 1.294,5 USD/ounce.
Với các phiên giảm mạnh trong tuần, giá vàng đã kết thúc chuỗi 2 tuần tăng trước đó, thậm chí đà giảm trong tuần qua còn hơn cả mức tăng của 2 tuần trước cộng lại. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao giảm 2,64%, giá vàng tương lai giảm 2,72%.
Những diễn biến mới khiến phân tích có cái nhìn thận trong hơn về xu hướng của giá vàng trong tuần mới, trong khi giới đầu tư vẫn đặt cược vào đà tăng của giá kim loại quý này.
Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời, chỉ có 5 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 31%, thấp hơn nhiều so với con số 75% của tuần trước; trong khi có 7 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 44%, cao hơn so nhiều so với con số 15% của tuần trước và 4 người dự báo giá sẽ đi ngang, chiếm 25%.
Trong khi đó, trong 556 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 286 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm 51%, chỉ thấp hơn chút ít so với con số 56% của tuần trước; 192 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 35%, cao hơn so con số 26% của tuần trước và 78 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 14%.
Việc chỉ số hoạt động sản xuất ISM tháng 2 gây thất vọng khiến gia tăng lo ngại về nhu cầu sụt giảm, đã đẩy giá dầu thô Mỹ quay đầu lao dốc trong phiên cuối tuần, trong khi giá dầu thô Brent vẫn giữ được sự ổn định.
Kết thúc phiên 1/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 1,42 USD (-2,54%), xuống 55,80 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,02 USD (-0,03%), xuống 66,01 USD/thùng.
Phiên giảm mạnh cuối tuần khiến giá dầu thô Mỹ quay đầu giảm 2,55% sau khi tăng 3,00% trong tuần trước. Giá dầu thô Brent cũng quay đầu giảm 1,65% sau nhiều tuần tăng liên tiếp trước đó.