Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 26/2, ông Jerome Powell đã cung cấp những diễn biến trái chiều của kinh tế Mỹ. Trong khi dữ liệu bán lẻ và một số dữ liệu khác gây thất vọng, thì thị trường lao động lại đang khá vững chắc, với tiền lương tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp.
Ông Powell đánh giá, triển vọng cơ bản của nền kinh tế Mỹ vẫn tốt, nhưng tăng trưởng kinh tế bên ngoài đang chậm lại là một lực cản với nền kinh tế lớn nhất thế giới và sự ảnh hưởng có thể sẽ được thể hiện rõ hơn trong những tháng tới.
Với những đánh giá đó, ông Powell cho biết, Ủy ban thị trường mở (FOMC) của Fed đang giám sát chặt chẽ diễn biến của nền kinh tế, cũng như các rủi ro và Fed sẽ kiên nhẫn với chính sách tăng lãi suất, cần thêm thời gian để theo dõi.
Trong năm 2018, Fed đã có 4 lẫn tăng lãi suất lên mức hiện nay là 2,25 - 2,50%/năm (lãi suất qua đêm). Năm nay, Fed dự kiến sẽ có thêm 3 lần tăng lãi suất, nhưng trong cuộc họp tháng 1, cơ quan này quyết định giữ nguyên lãi suất và đữa ra quan điểm mềm mỏng hơn trong chính sách của mình.
Thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng gần như không phản ứng với phiên điều trần của Chủ tịch Fed. Phố Wall giao dịch giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa với mức giảm nhẹ. Ông Powell sẽ có thêm phiên điều trần nữa trước Hạ viện vào ngày thứ Tư (27/2).
Ngoài phiên điều trần của ông Powell, phố Wall nhận thông tin kinh tế trái chiều trong ngày giao dịch thứ Ba. Trong khi dữ liệu nhà ở không như mong đợi, thì niềm tin người tiêu dùng lại rất khả quan.
Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Dow Jones giảm 33,97 điểm (-0,13%), xuống 26.057,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,21 điểm (-0,08%), xuống 2.793,90 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 5,16 điểm (-0,07%), xuống 7.549,30 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các thị trường cũng đảo chiều do áp lực chốt lời khi các chỉ số lên mức cao nhiều tháng do phản ứng tích cực với thông tin tích cực của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, về nửa cuối phiên, lực cầu gia tăng giúp chứng khoán Đức và Pháp đảo chiều thành công, trong khi chứng khoán Anh vẫn chìm trong sắc đỏ do đồng bảng Anh tăng.
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng thận trọng hướng về phiên điều trần của Chủ tịch Fed diễn ra trong ngày sau đó theo giờ Mỹ.
Kết thúc phiên 26/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 32,62 điểm (-0,45%), xuống 7.151,12 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 35,40 điểm (+0,31%), lên 11.540,79 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 6,88 điểm (+0,13%), lên 5.238,72 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường đều đồng loạt giảm do áp lực chốt lời sau những phiên tăng mạnh nhờ phản ứng với thông tin tích cực từ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Chứng khoán Nhật Bản còn chịu áp lực bán của giới đầu tư trước kỳ công bố kết quả kinh doanh cuối niên độ 2018-2019.
Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 78,84 điểm (-0,37%), xuống 21.449,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng giảm 19,77 điểm (-0,67%), xuống 2.941,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 187,24 điểm (-0,65%), xuống 28.772,06 điểm.
Tương tự chứng khoán, giới đầu tư trên thị trường vàng cũng không phản ứng với phiên điều trần của Chủ tịch Fed. Giá vàng trong phiên thứ Ba chủ yếu lình xình trong biên độ hẹp, nhưng đóng cửa trên mức giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó, dù mức tăng khiêm tốn.
Kết thúc phiên 26/2, giá vàng giao ngay tăng 1,3 USD (+0,1%), lên 1.328,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 1 USD (-0,08%), xuống 1.328,5 USD/ounce.
Giá dầu thô cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba sau phiên giảm mạnh phiên đầu tuần khi OPEC vẫn tiếp tục cắt giảm sản lượng, bất chấp những lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kết thúc phiên 26/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,48 USD (+0,87%), lên 55,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,88 USD (+1,36%), lên 65,79 USD/thùng.