Ông Trump có thể bị bãi nhiệm trước thời hạn sau cuộc bạo loạn tại trụ sở Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ đã khiến một số thành viên Dân chủ kêu gọi bãi nhiệm Tổng thống Trump trước khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới.
Người biểu tình đối mặt lực lượng an ninh ở New York trong thời gian áp lệnh giới nghiêm tối 2/6. Ảnh: Reuters. Người biểu tình đối mặt lực lượng an ninh ở New York trong thời gian áp lệnh giới nghiêm tối 2/6. Ảnh: Reuters.

Ngày 6/1, hàng trăm người tham gia cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống Trump bên ngoài Nhà Trắng đã xông vào tòa nhà Quốc hội, buộc các nhà lập pháp của Thượng viện và Hạ viện phải sơ tán khẩn cấp khi đang tiến hành cuộc họp xác nhận kết quả cuộc bỏ phiếu đại cử tri.

Cảnh tượng hỗn loạn này diễn ra sau khi Tổng thống Trump phát biểu trước hàng nghìn người biểu tình và lặp lại cáo buộc về việc cuộc bầu cử Mỹ đã bị “đánh cắp” khỏi tay ông.

Theo Reuters, có hai cách để bãi nhiệm một tổng thống đương nhiệm, đó là luận tội và kích hoạt Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ. Trong cả hai kịch bản này, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ tiếp quản quyền lực cho đến khi ông Biden nhậm chức.

Ông Trump có thể bị luận tội và bãi nhiệm?

Câu trả lời là có thể. Một quan niệm sai lầm về luận tội là cho rằng điều này sẽ dẫn đến việc bãi nhiệm một tổng thống. Trên thực tế, luận tội chỉ là một tuyên bố buộc tội, tương đương với một bản cáo trạng trong một vụ án hình sự, chẳng hạn như Hạ viện đưa ra những cáo buộc cho rằng tổng thống “phạm tội nặng hoặc phạm tội nhẹ”.

Nếu đa số thành viên trên tổng số 435 nghị sỹ tại Hạ viện đồng ý đưa ra các cáo buộc, được gọi là “các điều khoản luận tội” thì tiến trình này sẽ được chuyển đến Thượng viện – nơi tổ chức phiên tòa xét xử để xác định các tội danh của tổng thống.

Hiến pháp Mỹ yêu cầu để có thể kết tội và phế truất một tổng thống đương nhiệm, Thượng viện cần phải có 2/3 số phiếu thuận.

Trước đó vào tháng 12/2019, ông Trump đã bị Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát luận tội với cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở cuộc điều tra của Quốc hội liên quan đến nghi vấn ông gây sức ép buộc Ukraine điều tra đối thủ chính trị là Joe Biden và con trai ông – Hunter Biden. Tuy nhiên, ông Trump đã được Thượng viện do phe Cộng hòa lãnh đạo tha bổng vào tháng 2/2020.

Ông Trump có thể bị cáo buộc những tội danh nào?

Frank Bowman, chuyên gia nghiên cứu luật hiến pháp tại Đại học Missouri, cho rằng, ông Trump có thể phạm tội “kích động hành vi gây bạo loạn” hoặc “cố ý lật đổ chính phủ Mỹ”.

Nhưng chuyên gia này cho biết, ông Trump có thể bị luận tội với một cáo buộc nghiêm trọng hơn: không trung thành với Hiến pháp Mỹ và không giữ lời tuyên thệ nhậm chức. Quốc hội Mỹ có toàn quyền quyết định trong việc xác định các tội danh từ nặng đến nhẹ và không bị giới hạn khi xem xét các tội hình sự.

“Hành vi phạm tội cơ bản sẽ là vi phạm Hiến pháp, phải kể đến việc cố ý hủy hoại kết quả hợp pháp của một cuộc bầu cử được tiến hành hợp pháp”, ông Bowman nói.

Mất bao lâu để luận tội và bãi nhiệm tổng thống?

Chuyên gia Bowman cho biết, về mặt lý thuyết điều này có thể được thực hiện trong một ngày. Ông cũng lưu ý rằng, Hạ viện và Thượng viện có quyền hạn lớn để đặt ra các quy tắc luận tội nếu họ thấy phù hợp.

“Hạ viện có thể luận tội ông ấy vào trưa mai (7/1, theo giờ Mỹ) và đưa qua Điện Capitol tới Thượng viện. Phiên xét xử có thể bắt đầu ngay trong buổi chiều cùng ngày. Không có bất cứ rào cản hiến pháp nào cho công việc đó”.

Tu chính án thứ 25 có lật đổ được tổng thống hay không?

Tu chính án thứ 25, được phê chuẩn vào năm 1967 sau vụ ám sát Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy năm 1963, nhằm thiết lập một con đường kế vị có trật tự trong trường hợp tổng thống không thể thực hiện các nhiệm vụ của Nhà Trắng.

Phần 4 của Tu chính án 25 đã nhận được sự chú ý nhiều nhất trong nhiệm kỳ tổng thống Trump. Phần này hướng dẫn cách thức xử lý trong trường hợp tổng thống không thể điều hành được công việc tại Nhà Trắng nhưng cũng không tự nguyện từ chức.

Phần 4 quy định khi phó tổng thống và đa số thành viên trong nội các tuyên bố rằng tổng thống "không thể đảm trách các quyền lực và nhiệm vụ của mình", thì phó tổng thống sẽ trở thành quyền tổng thống cho đến khi tổng thống đương nhiệm được tuyên bố là đủ khả năng trở lại cương vị.

Để điều này xảy ra, ông Pence và phần lớn thành viên trong nội các phải ra tuyên bố bằng văn bản rằng Tổng thống Trump không có khả năng đảm đương nhiệm vụ. Việc này ngay lập tức sẽ khiến ông Trump bị tước quyền lực và ông Pence trở thành quyền tổng thống.

Ông Trump sau đó có thể đưa ra tuyên rằng ông đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ. Sau 4 ngày, nếu Phó Tổng thống Pence và các thành viên trong nội các không phản đối tuyên bố của ông Trump. Ông Trump có thể nắm quyền trở lại.

Nếu họ tranh cãi về tuyên bố của tổng thống, vấn đề sẽ do Quốc hội định đoạt. Nếu 2/3 số thành viên của lưỡng viện Quốc hội đều nhất trí rằng ông Trump không có đủ năng lực, khi đó Phó Tổng thống Mike Pence sẽ tạm nắm quyền điều hành.

Chuyên gia Bowman của Đại học Missouri cho biết, Tu chính án thứ 25 chỉ được sử dụng trong trường hợp tổng thống bị mất năng lực và không thể đảm đương công việc, chẳng hạn như mắc các bệnh về tâm lý hoặc thể chất.

Theo ông Bowman, nhiều khả năng Tu chính án thứ 25 sẽ không được kích hoạt, một mặt do thiếu sự ủng hộ của Phó Tổng thống Mike Pence, mặt khác do phe Cộng hòa vẫn đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Hơn nữa, có rất nhiều lập luận mạnh mẽ về việc, ông Trump vẫn có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ của Nhà Trắng.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục