Nhân cuộc họp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hiệp Quốc (UN) ngày 21/9, Tân hoa xã đã trích dẫn nhận xét của ông Tập khi đề cập đến việc thúc đẩy các nước đang phát triển có vai trò lớn hơn trong các vấn đề thế giới.
Ông Tập nói rằng, Liên Hiệp Quốc có thể “cân bằng hơn” và kêu gọi “trật tự quốc tế được củng cố bởi luật pháp quốc tế”. Ông nói rằng, các quốc gia không được “thống trị bởi những người vung tay đấm mạnh vào người khác”.
“Không được thực hiện chủ nghĩa ngoại lệ hoặc tiêu chuẩn kép. Luật pháp quốc tế cũng không được bóp méo và lấy cớ để làm suy yếu các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác hoặc hòa bình và ổn định thế giới”, ông Tập nói.
Ông Tập dự kiến sẽ phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua liên kết video vào cuối ngày thứ Ba (22/9). Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nằm trong số các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm ở New York.
Lời kêu gọi của ông Tập về một sự hồi sinh đa phương đã được các nhà lãnh đạo từ Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lặp lại khi mối quan tâm ngày càng tăng về sự ổn định của các thể chế toàn cầu được thiết lập sau sự tàn phá của Thế chiến II.
Trung Quốc đã tìm cách thể hiện mình là người đấu tranh cho một trật tự thế giới đang bị lung lay bởi các quyết định của Trump rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo Bloomberg, mặc dù ông Tập không đề cập đến bất kỳ quốc gia nào nhưng nhận xét của ông được đưa ra khi chính quyền Trump giáng đòn trừng phạt vào Trung Quốc đối với các hành vi vi phạm nhân quyền và dán nhãn các mối đe dọa an ninh của WeChat và Huawei.
Mặt khác, theo Bloomberg, Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với các cáo buộc bắt nạt vì sử dụng các chính sách thương mại cưỡng bức trong các tranh chấp địa chính trị chống lại các nước từ Úc đến Thụy Điển.