Ông lớn phi nhân thọ thận trọng với kế hoạch 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nhóm dẫn đầu thị trường đặt mục tiêu tăng trưởng kinh doanh năm 2022 chỉ tăng vài phần trăm, thậm chí không tăng so với năm trước.
PTI không đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí trong năm nay. Ảnh: Dũng Minh PTI không đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí trong năm nay. Ảnh: Dũng Minh

Cuối tháng 3/2022, tại cuộc họp với đại diện các cổ đông lớn, lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) cho biết, năm 2022, cùng với mục tiêu đảm bảo hiệu quả hoạt động, BMI đưa ra mức doanh thu dự kiến khoảng 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 4% - khá khiêm tốn so với mức tăng trưởng 6,36% về doanh thu (tương đương 5.300 tỷ đồng) và 28,92% về lợi nhuận (tương đương 300,6 tỷ đồng) của năm 2021.

Với hãng bảo hiểm nằm trong tốp 3 là Bảo hiểm Bưu điện (PTI) thậm còn không đặt mục tiêu tăng trưởng, mà sẽ giữ nguyên mức doanh thu tương tự như năm 2021 là gần 6.000 tỷ đồng. Cũng như nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác, trải qua giai đoạn khó khăn, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm năm 2021 của PTI chỉ khoảng 3% - mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Theo đại diện PTI, năm 2022, hãng sẽ không đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu phí, mà tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Trong khi đó, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) lại đưa ra kế hoạch khá thách thức cho năm 2022, với tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc từ 10-12% và lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 250 tỷ đồng, mức chi trả cổ tức 12%.

Năm 2021, dù đạt lợi nhuận hơn 350 tỷ đồng, nhưng doanh thu phí của PJICO lại không tăng cao tương ứng, khiến vị trí thứ 5 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm rơi vào tay Bảo hiểm Quân đội (MIC). Dẫu vậy, với kế hoạch đẩy tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc ở mức trên 10% - cũng là cái tên hiếm hoi trong tốp đầu đặt mục tiêu trưởng doanh thu phí ở mức cao, PJICO đang cho thấy quyết tâm lớn trong năm nay.

Thực tế, với việc chiếm tới hơn 50% thị phần của toàn khối, tốc độ tăng trưởng của nhóm 5 doanh nghiệp lớn nhất luôn tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng chung của thị trường phi nhân thọ. Năm 2021, các doanh nghiệp phi nhân thọ đối mặt với thách thức lớn từ dịch bệnh Covid-19, tình trạng giãn cách kéo dài khiến doanh thu phí bảo hiểm của hầu hết doanh nghiệp trong nhóm dẫn đầu giảm sút, kéo theo sự sụt giảm chung của cả thị trường.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí toàn thị trường phi nhân thọ ước đạt 57.880 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu phí của Bảo hiểm Opes), tăng chưa tới 4% so với năm 2020 - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trước đó, năm 2020, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ tuy giảm, nhưng vẫn đạt gần 7%.

Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm của khối này dự kiến tăng trưởng khoảng 8- 10%. Nhìn chung, các doanh nghiệp trong tốp 5 xác định, 2022 vẫn sẽ là năm khó khăn bởi thị trường còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định như dịch bệnh, ảnh hưởng từ các sự kiện địa chính trị như xung đột Nga - Ukraine… và nền kinh tế cũng chưa thực sự phục hồi, nên việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng thận trọng là cần thiết.

“Mặc dù không còn chuyện giãn cách như trước đây khi Chính phủ đã ra chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch, song những biến động khó lường của thị trường như giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh từ những năm trước..., khiến nhu cầu mua bảo hiểm khó có sự đột biến”, đại diện PTI nói.

Ngoài ra, năm 2022, dù hoạt động đầu tư công được thúc đẩy và có thể mở ra cơ hội cho sản phẩm bảo hiểm tài sản kỹ thuật và hàng hải, song đây là 2 sản phẩm không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng có thế mạnh, nên chưa phải là đòn bẩy để thị trường bứt phá.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục