“Ông lớn” phi nhân thọ lo “đuôi không lọt”

(ĐTCK) Báo cáo tài chính quý I/2021 của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy kết quả kinh doanh tích cực, tạo nền tảng để có thể tăng trưởng cao trong năm nay, nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu thấp, thậm trí giảm so với năm trước và đáng nói, đây đều là những “ông lớn”.
Lợi nhuận của PTI tăng trưởng cao trong quý I/2021

Đầu đã xuôi

Kết thúc quý I/2021, Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) đạt tổng doanh thu 1.283 tỷ đồng, tăng 5,39% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 25,53% kế hoạch doanh thu cả năm đề ra (vượt 0,53% kế hoạch quý); lợi nhuận trước thuế là 87,6 tỷ đồng, tăng 71,44% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 31,62% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo đại diện BMI, mặc dù thị trường dự báo còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng với kết quả khả quan quý đầu năm, Ban lãnh đạo BMI tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng cao năm 2021, cụ thể: Tổng doanh thu đạt 5.024 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 277 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2020; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) ăm 2021 ở mức tối thiểu 10%, tăng hơn 18% so với năm 2020 và tỷ lệ cổ tức dự kiến là 12%.

“Để hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra, trong năm 2021, BMI sẽ tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ bảo hiểm; đa dạng hóa và tăng cường các kênh khai thác online, bancasurance, môi giới, đại lý…; chuẩn hóa các quy trình khai thác, bồi thường, giảm thiểu trục lợi bảo hiểm…; đồng thời tập trung tái cấu trúc sản phẩm chưa có hiệu quả như thân tàu biển, các dịch vụ lỗ nhiều năm và có thời gian chuyển dịch, giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào các khách hàng lớn, tập trung quản lý để tạo hiệu quả, tiếp tục ứng phó với đại dịch Covid-19…”, đại diện BMI nói.

Tại Bảo hiểm PVI, kết thúc quý I/2021, Công ty đạt 2.894 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 112,7% kế hoạch quý; lợi nhuận trước thuế là 174,4 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ và hoàn thành 114,8% kế hoạch quý.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cấp cao Bảo hiểm PVI cho biết, trong quý đầu năm, Công ty đã ra mắt đơn vị thành viên thứ 40 - Bảo hiểm PVI Thủ Đức và ký kết với một số đối tác để mở rộng kênh phân phối tới khách hàng cá nhân, hoạt động thương mại điện tử cũng được đẩy mạnh với việc tăng thêm các sản phẩm cho kênh bán hàng trực tuyến cũng như phát triển các sản phẩm mới…, qua đó đóng góp vào kết quả tích cực quý đầu năm nay.

“Trong quý II, Bảo hiểm PVI sẽ tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ, đẩy mạnh hơn nữa kênh thương mại điện tử bằng việc hợp tác với các đối tác có thế mạnh về thương mại điện tử trên thị trường. Với chiến lược này, kỳ vọng mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng năm 2021 sẽ hoàn thành trước kế hoạch”, vị này chia sẻ thêm.

Ghi nhận tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), theo ước tính sơ bộ, trong quý I/2021, MIC ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc 3 tháng đầu năm 2021 đạt 14,4% - cao hơn đáng kể so với mức tăng bình quân 6% của ngành giai đoạn này; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 47 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ 2020.

Kết quả tích cực quý đầu năm có lẽ là lý do để MIC kiên định với mục tiêu doanh thu năm 2021 tăng từ 35-40% so với kết quả năm 2020 và đứng Top 5 về thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; lợi nhuận tăng trưởng 49% (đạt 360 tỷ đồng), cho dù nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới còn đối mặt với tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Vì sao lo “đuôi không lọt”?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2021 ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 6%. Trên thực tế, báo cáo tài chính quý I/2021 của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng cho thấy kết quả tích cực. Điều này tạo tiền đề cho doanh nghiệp tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay. Vậy nhưng, cũng có doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu thấp, thậm trí giảm so với năm trước.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức mới đây, trả lời câu hỏi của cổ đông về mục tiêu doanh thu và kế hoạch lợi nhuận năm 2021 đều giảm so với năm 2020, ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, là do xác định nền kinh tế cũng như PTI sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do tác động của dịch bệnh, trong khi việc giữ vững thị phần vẫn phải đảm bảo và điều này có thể khiến PTI phải chịu nhiều áp lực tăng các chi chí để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Được biết, năm 2021, PTI lên kế hoạch đạt doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 6.600 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2020, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế đều giảm mạnh lần lượt gần 15% và 17% về các mức tương ứng là 260 tỷ đồng và 208 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2021, PTI đạt kết quả kinh doanh khả quan với 1.534 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc, tăng 1,3% so với cùng kỳ 2020 và hoàn thành 23% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 84,6 tăng 53,1% so với cùng kỳ và hoàn thành 33% kế hoạch năm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho biết, trong quý I/2021, PJICO đạt doanh thu phí bảo hiểm gốc 861 tỷ đồng, hoàn thành 24% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 70 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2020 và hoàn thành 35% kế hoạch năm.

Theo vị này, mặc dù lợi nhuận tăng trưởng cao, nhưng doanh thu phí bảo hiểm gốc không tăng và điều này đã được dự báo trước, lý do bởi đại dịch Covid-19 tác động dẫn đến nhiều khách hàng gặp khó khăn về tài chính nên đã tiết giảm chi phí bằng cách cắt giảm hoặc không mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc PJICO chủ động hạn chế khai thác bảo hiểm sức khỏe người vay trong năm 2021 để đảm bảo biên khả năng thanh toán cũng là nguyên nhân khiến tổng doanh thu không tăng trưởng.

“Trên cơ sở các đánh giá tác động của dịch bệnh, Ban lãnh đạo PJICO sẽ tiếp tục theo dõi sát sao công tác kinh doanh toàn hệ thống để đảm bảo bám sát tiến độ thực hiện kế hoạch năm”, vị lãnh đạo PJICO nói. Năm 2021, PJICO đặt mục tiêu tổng doanh thu bảo hiểm gốc đạt 3.565 tỷ đồng (không bao gồm doanh thu bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014), tăng 6% so với thực hiện năm 2020; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 202 tỷ đồng, giảm 15 tỷ đồng so với kết quả năm 2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến xấu, cộng với những thuận lợi trong năm 2020 như tỷ lệ bồi thường ô tô thấp do giãn cách xã hội, bảo hiểm xe máy tăng vọt nhờ tổng kiểm tra, doanh thu của bảo hiểm Covid… không còn trong năm 2021, nên việc doanh nghiệp thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm nay là dễ hiểu.

Song, cũng không loại trừ khả năng doanh nghiệp đặt kết quả kinh doanh thấp nhằm “lấy lòng” cổ đông, nhà đầu tư trong trường hợp hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh đề ra vào cuối năm, cũng như tạo “lối thoát” khi tình hình kinh doanh chuyển biến xấu, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2020 tăng trưởng cao, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đơn cử, kết thúc năm 2020, PJICO đều hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh chính với tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc (chưa bao gồm doanh thu bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014) đạt 3.498 tỷ đồng, tăng 14,6% so với thực hiện năm 2019 và lợi nhuận đạt được cũng cao nhất từ trước tới nay với 217 tỷ đồng, hoàn thành 120 kế hoạch năm và tăng 8,1% so với năm 2019.

Hay như PTI, tài liệu cung cấp phục vụ Đại hội cổ đông cho thấy, con số lợi nhuận trước thuế và sau thuế thực hiện năm 2020 lần lượt đạt 304,6 tỷ đồng và 250,1 tỷ đồng, tăng tương ứng 190,1% và 194,3% so với kế hoạch đề ra (160,3 tỷ đồng và hơn 128,7 tỷ đồng).

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục