Áp lực ATIGA
Với việc Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2020, theo nhận định của các nhà phân tích trong lĩnh vực này, chắc chắn sẽ có khó khăn và áp lực cho doanh nghiệp đường trong nước khi thuế nhập khẩu với mặt hàng này được cắt giảm về 0%.
Nhà máy đường nhỏ khó tồn tại trong bối cảnh này, đặc biệt là những nhà máy có công suất ép mía từ 3.000 tấn/ngày trở xuống.
Các nhà máy có công suất ép mía trên 3.000 tấn/ngày trở lên và có vùng nguyên liệu vẫn có thể tồn tại được.
Ðiều này đã được dự báo trước và thực tế trong những năm qua đã có nhiều nhà máy đường quy mô nhỏ phải đóng cửa do không đủ sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, hội nhập là xu thế nên Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Nước ta có khí hậu, thổ nhưỡng tốt nên người dân có thể chuyển đổi từ cây mía sang cây trồng khác.
Nhưng để giữ uy tín cho ngành đường, doanh nghiệp trong lĩnh vực mía đường cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đến việc hỗ trợ cho những vùng miền chuyên canh, hay còn gọi là độc canh chỉ trồng mía, không trồng bất cứ cây trồng nào khác.
Một yếu tố quan trọng không kém đó là, để cung ứng một phần còn lại cho thị trường 93 triệu dân của Việt Nam, trước mắt nên cho nhập đường thô.
Hiện, Chính phủ chỉ cho phép nhập đường trắng, nhưng từ đầu năm nay, thuế nhập đường về 0%, đường Thái Lan với lợi thế giá rẻ sẽ tràn vào Việt Nam khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó.
Nhưng khi cho nhập khẩu đường thô, còn có thể đem nguồn cung về cho các nhà máy đường trong nước chạy bằng bã mía ở các vùng độc canh và phục vụ nhu cầu đường trong nước.
Ðồng thời, việc cho nhập đường thô có thể giải quyết được bài toán lao động ngành mía đường đang phải đối mặt với tình trạng mất việc khi nhiều nhà máy sẽ dừng hoạt động.
Hai yếu tố này sẽ hỗ trợ cho nhau để giữ thị trường đường nội địa. Giá điện cũng phải trả theo giá điện sinh khối.
Có như vậy, các nhà máy đường nội địa mới có thể đứng vững được sau hội nhập ATIGA. Chẳng hạn, thay vì nhập đường trắng 10 đồng, nhập thô 8 đồng, doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng được chênh lệch 2 đồng.
Còn nếu nhập đường trắng thì uy tín ngành đường, người nông dân và kể các các nhà máy đường sẽ khó có thể tồn tại.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong vài năm trở lại đây, ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nước ta hiện có 40 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất đường.
Tính đến nay, tổng diện tích mía nguyên liệu đã giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước dẫn đến tình trạng thiếu mía nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất. Trong khi đó, người nông dân thì thua lỗ nặng, phải bỏ ruộng mía.
Những nguyên nhân gây ra khó khăn cho ngành mía đường được nhận định không chỉ do thiên tai, hạn hán mà còn do trình độ khoa học kỹ thuật thấp, áp lực cạnh tranh lớn.
Dự báo tình hình khó khăn này sẽ càng trầm trọng hơn khi nước ta mở cửa ngành mía đường vào đầu năm 2020, nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị trước.
Nếu không được chuẩn bị
Là doanh nghiệp đầu ngành mía đường, Công ty Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, mã chứng khoán SBT) không quá lo ngại áp lực khi ngành đường chính thức hội nhập ATIGA vào đầu năm nay.
Nắm bắt được xu thế, TTC Sugar có sự chuẩn bị từ rất sớm cho hội nhập.
Lợi thế của Công ty là có kênh phân phối, thị phần, có nhà máy hiện đại và đặc biệt là có thị trường xuất khẩu đường organic bao tiêu lượng sản phẩm lớn.
TTC Sugar được hỗ trợ bởi nhà máy đường ở Lào và trong tương lai là Campuchia. Ðây được xem là bệ phóng cho Công ty đẩy mạnh phát triển trong ngành đường và không chỉ ở thị trường nội địa, còn xuất khẩu sang nước ngoài.
Vì vậy, Công ty tự tin với sứ mệnh giữ được vị thế, uy tín và thị phần của ngành mía đường Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Theo bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Sugar, Công ty đang huy động tổng lực tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, diện tích 65.000 ha trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Ninh Hòa, Phan Rang, TTCA - Lào và Campuchia Kratie.
Vùng nguyên liệu có quy mô diện tích phù hợp, thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa và thực hiện các giải pháp trồng mía thâm canh, đạt năng suất từ 80 tấn/ha trở lên, trữ lượng đường tối thiểu 10 tấn/ha.
Việc mở rộng vùng nguyên liệu tại các nước Ðông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia) cũng là tạo thế kiềng ba chân, phát triển bền vững, đặc biệt phát triển diện tích 26.000 ha mía theo tiêu chuẩn quốc tế tại Lào và Campuchia, trong đó 15.000 ha mía cho sản xuất đường organic.
Phát triển vùng nguyên liệu gắn với việc xây dựng phương án quản lý vùng nguyên liệu mía, đảm bảo sản xuất, kinh doanh liên tục, bền vững.
“Việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu là một trong những ưu tiên hiện nay. Bên cạnh đó, TTC Sugar còn phải tập trung nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm; mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh; tìm kiếm mở rộng thị trường; tăng vốn; hợp tác quốc tế để tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Ngọc nói.
Sau 3 năm liên tiếp thặng dư cùng những diễn biến khí hậu khắc nghiệt, dấu hiệu về sự thâm hụt đường trên toàn thế giới đã hiện rõ với con số dự đoán từ 2,5 - 3,1 triệu tấn trong niên vụ 2019 - 2020, giá đường vì vậy cũng có sự phục hồi rất khả quan.
Sở hữu tiềm lực tốt, TTC Sugar thể hiện sự tự tin về tương lai tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh với đường Thái Lan.
Chính việc mở rộng vùng nguyên liệu trên khắp 3 nước Ðông Dương, trong đó đặc biệt phát triển diện tích mía organic theo tiêu chuẩn quốc tế, TTC Sugar đang ngày càng nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa dây chuyền, giảm chi phí giá thành sản phẩm.
Ðồng thời, việc TTC Sugar đa dạng hóa sản phẩm đường như đường tinh luyện, đường vàng, đường đen, nước màu và đặc biệt là dòng sản phẩm đường organic đóng vai trò chủ đạo trong nhóm sản phẩm có tính cạnh tranh cao, sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho Công ty, đồng thời thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người dùng.
Bên cạnh các sản phẩm đường, cơ hội phát triển của TTC Sugar còn nằm ở các sản phẩm cạnh đường và sau đường như điện thương phẩm, phân bón, rỉ mật, giúp khai thác tối đa giá trị từ cây mía, đặc biệt là nhà máy phân hữu cơ vi sinh với công suất 50.0000 tấn/năm sau khi đưa vào vận hành đã hỗ trợ cho các hộ trồng mía, giúp cải thiện chất lượng đất, tăng năng suất cho các loại cây trồng, cũng như cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Mặt khác, sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào từ quá trình luyện đường là bã bùn, TTC Sugar đánh giá việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh sẽ góp phần tối ưu hóa chuỗi giá trị của ngành, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Ðứng trên cương vị là một trong những doanh nghiệp đầu ngành, TTC Sugar bước vào giai đoạn hội nhập sau ATIGA trong tâm thế sẵn sàng đón đầu thách thức, biến khó khăn thành cơ hội.
Ðặc biệt, việc Hội đồng quản trị Công ty có sự tham gia của bà Huỳnh Bích Ngọc - doanh nhân dày dạn kinh nghiệm thương trường, bà Ðặng Huỳnh Ức My sở hữu kỹ năng quản trị tài chính và ông Phạm Hồng Dương với thế mạnh về xây dựng, định hướng chiến lược, TTC Sugar được ví như “hổ mọc thêm cánh”. Chính sự vững vàng của TTC Sugar sẽ tạo động lực và sức cạnh tranh cho ngành đường Việt Nam nói chung trong thời kỳ mới.