Khó khăn chồng chất
Vào giữa năm 2018, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục áp dụng quy định về hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường đến hết năm 2019. Việc thực hiện cam kết theo ATIGA sẽ bắt đầu từ năm 2020. Trước đó, theo cam kết ATIGA, thuế quan cho mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ từ mức 5% giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018.
giá đường thế giới trong gần 2 năm qua (nguồn: ifcmarket).
Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, cả nước hiện có 41 nhà máy đường tại 25 tỉnh thành, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, trong số này, 22 nhà máy chỉ có công suất dưới 3.000 tấn/ngày.
Đây là nhóm sẽ chịu tác động nặng nề nhất khi ngành đường tiến hành dỡ bỏ hạn ngạch và hàng rào thuế quan với sản phẩm này theo ATIGA. VSSA dự báo, đến năm 2025, nhiều khả năng chỉ còn 15 nhà máy đường hoạt động so với con số 41 nhà máy hiện tại.
Khác với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, một số công ty mía đường lớn đã có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ và tỏ ra khá tự tin trước hội nhập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành đường Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết trước khi có một cuộc cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực.
Xét về quy mô, Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) đang là doanh nghiệp có lợi thế lớn nhất, hiện chiếm 40% thị phần tiêu thụ trên cả nước. Quy mô doanh nghiệp vừa được mở rộng sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập Công ty cổ phần Đường Biên Hòa và mua lại nhà máy Attapeu tại Lào từ Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 mới đây, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, cổ đông lớn nắm quyền chi phối tại SBT cho biết, bất cứ ngành nghề nào cũng có chu kỳ và ngành mía đường đang ở giai đoạn khủng hoảng.
Bất lợi hơn nữa là khoảng thời gian này lại cùng lúc với việc tiến hành các cam kết theo ATIGA nên thử thách với các doanh nghiệp mía đường càng lớn. Một số đơn vị khó khăn tới mức phải lấy đường trả cho nông dân, những nông dân này lại đưa vào thị trường theo đường không chính thống, khiến khó khăn càng nối dài, nhất là khi đường nhập lậu vẫn hoành hành.
Nếu cách đây 10 năm, Việt Nam phải nhập khẩu đường thì hiện tại đã cân đối được cung – cầu và có hoạt động xuất khẩu dù chưa đáng kể. Tuy nhiên, những thách thức bao năm qua với ngành đường vẫn chưa được hóa giải, từ việc cơ giới hóa, tới cạnh tranh cây giống. Hiện tại, Việt Nam chưa nghiên cứu được giống mía riêng, vẫn phải nhập khẩu cây giống từ Thái Lan.
Doanh nghiệp lớn tự tin
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ông Thành tự tin cho rằng, ngành đường có thêm 1 năm gia hạn là quá đủ, một phần xuất phát từ việc SBT đã có sự chuẩn bị sớm, đầu tư công sức, tiền của để nâng cao sức cạnh tranh.
Diễn biến giá cổ phiếu một số doanh nghiệp ngành đường.
Theo đó, sau khi hoàn thành các thương vụ mua bán – sáp nhập, SBT đang sở hữu vùng nguyên liệu hơn 54.000 ha, chiếm 1/4 diện tích vùng nguyên liệu cả nước, chưa kể vùng nguyên liệu lớn tại Lào.
Việc tự chủ nguyên liệu giúp SBT có lợi thế lớn để tối đa hóa chi phí sản xuất thông qua áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác hiện đại. Ban lãnh đạo SBT xác định, vùng nguyên liệu tại Lào là nơi Công ty sẽ tập trung phát triển thị trường ngách là các sản phẩm organic.
Bên cạnh đó, SBT đang tiếp tục thực hiện chiến lược nâng thị phần lên mức 50%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Công ty trong giai đoạn 2018 - 2021 và Ban lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn cổ đông chia sẻ mục tiêu chiến lược này, chấp nhận hy sinh lợi nhuận và tăng trưởng trong ngắn hạn. Đây là lý do SBT đặt kế hoạch kinh doanh niên độ 2018 - 2019 với lợi nhuận hầu như không tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT SBT, không đơn giản để thực hiện mục tiêu nâng thị phần lên 50%, bởi đòi hỏi hoạt động đầu tư mạnh mẽ, nhu cầu vốn cao. Đây là lý do SBT có mong muốn tìm kiếm đối tác chiến lược.
“Ngoài yếu tố năng lực tài chính, hỗ trợ Công ty giải quyết một phần áp lực về vốn thì chúng tôi cần một đối tác có thể am hiểu ngành đường”, ông Dương nói và cho biết thêm, khi tìm đối tác chiến lược, SBT không lo ngại bị thâu tóm bởi ngành đường là ngành đặc thù, nếu SBT không đồng hành với nhà đầu tư nước ngoài thì không ai dám đầu tư vào.
Trong niên vụ 2018 - 2019, với dự báo giảm nguồn cung và chính sách hạn chế xuất khẩu tại một số thị trường trọng điểm, giá đường kỳ vọng phục hồi nhẹ, kéo theo giá đường trong nước, SBT đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ 850.000 tấn, tăng 48% so với niên vụ 2017 - 2018.
Không riêng SBT, một doanh nghiệp có tiếng khác trong ngành đường là Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng tỏ ra tự tin khi các cam kết ATIGA sắp được áp dụng. Hiện tại, 1 trong 2 nhà máy mà QNS đang sở hữu có công suất lớn nhất cả nước lên đến 18.000 tấn mía/ngày.
Theo đại diện của QNS, công tác chuẩn bị cho hội nhập đã được Công ty thực hiện trong những năm qua, do vậy, Công ty tự tin có đủ khả năng cạnh tranh khi các cam kết ATIGA được áp dụng dù có giãn thời gian hay không.
Cụ thể, những giải pháp tại QNS là đầu tư nâng công suất bình quân Nhà máy đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày, đầu tư cơ giới hóa vùng nguyên liệu mía (hơn 800 máy và công cụ nông nghiệp các loại về cày đất, trồng và chăm sóc mía, máy thu hoạch...). Hiện tại, diện tích mía toàn vùng của QNS đạt 30.000 ha, năng suất mía bình quân 70 - 90 tấn/ha, sản lượng mía toàn vùng nguyên liệu khoảng 2 - 2,5 triệu tấn mía/vụ.
Ngoài ra, đại diện QNS cho biết, Công ty đã đầu tư Trung tâm giống mía phục vụ nghiên cứu phát triển các giống mía mới có năng suất và chất lượng tốt, nghiên cứu các loại phân bón phù hợp điều kiện thổ nhưỡng từng vùng.
Trong niên vụ tới, QNS tiếp tục triển khai dự án đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE 1.000 tấn/ngày. Dự kiến, đến tháng 4 - 5/2019, dây chuyển sản xuất đường tinh luyện sẽ đi vào sản xuất và góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh mía đường của Công ty với mức đóng từ 20% - 30% vào kết quả kinh doanh.