Chưa bao giờ doanh nghiệp được quan tâm như hiện nay
Năm 2016 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và là năm đầu nhiệm kỳ mới của Ban Chấp hành Trung ương và các cơ quan từ Quốc hội đến Chính phủ.
Lần đầu tiên tại Quộc hội, các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ theo Hiến pháp mới. Nội dung tuyên thệ hùng hồn và đầy khí thế đã đem lại cho toàn dân một niềm hy vọng mới.
Thực tế, chúng ta đã thấy nhiều tín hiệu nổi bật từ người đứng đầu Chính phủ đến các bộ, ngành và địa phương, một phong trào quan tâm đặc biệt đến cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đầu tiên, phải kể đến nhiều bộ luật bắt đầu đi vào cuộc sống, tiến bộ và minh bạch hơn. Tiếp đến là những chính sách cụ thể của Chính phủ và các bộ, ngành, đều mang tinh thần cởi mở và tạo điều kiện tốt hơn cho môi trường kinh doanh. Tuy vậy, các chính sách cũng ngày một chặt chẽ để ngăn ngừa sai phạm cũng như tăng cường bảo vệ môi trường.
Nói chung, có thể tóm gọn một câu là do những chính sách và tư duy của Chính phủ mà chưa bao giờ doanh nghiệp được quan tâm và hy vọng nhiều như bây giờ.
Khâu triển khai chính sách cần được cải thiện
Chính sách của Đảng và Nhà nước là nhất quán tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, ủng hộ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, khi xây dựng luật, chúng ta vẫn đi theo con đường cũ nên các bộ luật còn chung chung, phải đợi có nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ, ngành hướng dẫn. Vì thế, nhiều chính sách mới chưa thể đi ngay vào cuộc sống.
Mặt khác, việc triển khai các chủ trương, chính sách không phải bao giờ cũng minh bạch và bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Chẳng hạn, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, có quy mô lớn, vừa, nhỏ hiện chưa được tiếp cận các tài nguyên một cách bình đẳng và minh bạch như nhau, từ tiếp cận đất đai đến tiếp cận nguồn vốn. Hay có tình trạng doanh nghiệp này được gia hạn, giãn nợ, còn doanh nghiệp kia thì lại bị siết nợ.
Thực sự, 10 năm qua là một thời kỳ có nhiều khó khăn. Những khó khăn đó đã góp phần giúp nhận thức và sự hiểu biết chung của xã hội đối với các hoạt động kinh tế được tốt hơn, nhưng đồng thời nảy sinh không ít tiêu cực, làm lệch lạc môi trường kinh doanh.
Ngay trong cộng đồng doanh nghiệp cũng xuất hiện tư tưởng và hành vi thiếu lành mạnh khi một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp chỉ tính ngắn hạn để giải vấn đề mà không tính đến dài hạn, góp phần làm tiêu cực phát sinh, phát triển.
Không ít doanh nghiệp vẫn đang ngập trong nợ
Năm 2016, chính sách, đặc biệt là tinh thần của Chính phủ mong muốn xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh. Nhiều chính sách cụ thể, nhiều động thái cũng như những phát biểu mạnh mẽ, quyết liệt của lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ đã phần nào giúp các doanh nghiệp yên tâm, hăng say sản xuất - kinh doanh. Do vậy, kinh tế dần dần hồi phục, phát triển lành mạnh. Đặc biệt, Chính phủ triệt để tiết kiệm, sử dụng vốn đầu tư và chi tiêu hiệu quả hơn, không lạm dụng phát hành trái phiếu ồ ạt.
Chính vì vậy, dù trong năm có nhiều tác động bất lợi từ hạn hán, thiên tai, cũng như diễn biến kinh tế - chính trị trên thế giới, nhưng chúng ta vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế, ổn định đồng tiền, giữ vững được lạm phát ở mức mục tiêu, cũng như tăng cường xuất khẩu và cân đối ngoại tệ.
Song nền kinh tế chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, vừa mới mới hồi phục thì không thể “khỏe” ngay được. Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên, nhưng không ít doanh nghiệp còn chìm trong nợ nần. Nguyên do chủ yếu là những năm qua, lãi suất ngân hàng quá cao, trong khi nền kinh tế có diễn biến không thuận lợi khiến doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến không trả được nợ.
Dù đã được giãn nợ, gia hạn nợ, nhưng nợ gốc và nợ lãi chồng chất làm doanh nghiệp suy yếu rất nhiều, không đủ điều kiện để vay mới nhằm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất. Dự báo, tình hình này có thể phải vài năm nữa mới ổn định được, doanh nghiệp mới trả nợ được. Doanh nghiệp dần khỏe lên, nợ xấu dần giảm xuống, theo đó hệ thống ngân hàng ngày càng lành mạnh hơn.
Thực tế, tình trạng nợ nần có cả nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp như đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm nên không hiệu quả và nguyên nhân khách quan là một số chính sách thiếu nhất quán. Chẳng hạn, thị trường bất động sản sôi động thì “siết” cho vay, đến khi thị trường suy giảm mới “mở”. Hay như có thời kỳ chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh quá dẫn đến thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, nhiều ngân hàng huy động vượt trần lãi suất và chi trả lãi ngoài, dẫn đến lãi suất cho vay tăng cao, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Sức ép từ hội nhập sẽ giúp doanh nghiệp trưởng thành hơn
Doanh nghiệp nợ nần, hoạt động kém hiệu quả có một phần nguyên nhân là sức ép từ hội nhập tăng dần, thách thức nhiều hơn. Tuy nhiên, hội nhập ngày càng sâu rộng là tất yếu, không thể đi ngược lại. Vấn đề là phải có sự chuẩn bị để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội. Hội nhập làm cho doanh nghiệp hòa nhập với nhịp đập chung của thế giới tốt hơn, nền kinh tế cũng nhộn nhịp theo hơi thở chung của nền kinh tế thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ dần dần trưởng thành hơn.
Chúng ta dễ dàng thấy ảnh hưởng của hội nhập, ví dụ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiều năm trước ảnh hưởng rất ít đến kinh tế nước ta, nhưng đợt bầu cử vừa qua đã tạo ra “sóng gió”. Chỉ riêng ý định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng đã ảnh hưởng khá mạnh đến thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ Việt Nam và nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu ông Donald Trump chưa mặn mà với TPP thì chính sách sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống cũng sẽ không để hàng hóa Trung Quốc ồ ạt vào Mỹ. Cụ thể, nếu ông Trump giữ quan điểm lúc tranh cử Tổng thống là rút khỏi TPP thì ông cũng sẽ giữ quan điểm khi tranh cử là áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu. Theo đó, Việt Nam bị thiệt vì Mỹ rút khỏi TPP nhưng gián tiếp được lợi khi hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế cao hơn vào Mỹ.
Tôi tin rằng, thị trường Mỹ vẫn mở tốt hơn cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút mạnh đầu tư từ nước ngoài, đây là một trong những yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, cũng như có điều kiện để tăng cường xuất khẩu vào Mỹ và các nước khác khi vừa qua chúng ta đã ký hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nga, Belarus…
Kinh tế 2017 sẽ trỗi dậy
Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tận dụng được nhiều cơ hội, trong khi chúng ta vẫn còn nhiều lợi thế để phát triển. Do đó, tôi tin tưởng rằng, năm 2017, kinh tế Việt Nam sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, đồng thời có thêm những chính sách kinh tế đi vào cuộc sống, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài nguyên vốn và các tài nguyên khác tốt hơn.
Về khía cạnh doanh nghiệp, hiện nay, thời gian vay vốn quá ngắn nên doanh nghiệp luôn trong tâm trạng phải thu xếp trả nợ vay. Do đó, chính sách cần thiết và quan trọng với doanh nghiệp là ngân hàng có thể cho vay dài hạn 7 - 10 năm, thay cho 5 năm như hiện nay, vì 5 năm trôi qua rất nhanh, nhiều dự án không thể hoàn vốn và trả nợ trong thời gian này.
Đồng thời, nên có chính sách vay vốn không dựa trên thế chấp, đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Ngoài ra, chính sách kinh tế cần dài hạn và nhất quán, tránh thay đổi bất ngờ, doanh nghiệp sẽ không thể theo kịp.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn, như vậy nguồn vốn ngân hàng sẽ rộng rãi đến với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp phát triển sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững.