Phi nhân thọ với hình ảnh mới
Bức tranh tái cơ cấu về vốn tại doanh nghiệp phi nhân thọ mấy năm nay được thể hiện qua 3 hình ảnh rõ nét, đó là thoái vốn ngoài ngành theo chủ trương của Nhà nước, tái cơ cấu vốn để tăng năng lực và tái cơ cấu vốn để tồn tại, phát triển phù hợp với quy định của pháp luật (trường hợp của VASS, Xuân Thành).
Trong đó, công tác thoái vốn ngoài ngành theo chủ trương lớn của Chính phủ tại các doanh nghiệp bảo hiểm cũng được đánh giá là điểm sáng của thị trường bảo hiểm trong những năm qua, góp phần giúp hoạt động kinh doanh minh bạch, hiệu quả hơn, mang lại một sân chơi bình đẳng.
4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã hoàn tất việc thoái vốn ngoài ngành đó là Bảo hiểm SHB - Vinacomin (nay là BSH, thoái khỏi Tập đoàn Than - Khoáng sản), GIC (Tập đoàn Điện lực), Bảo hiểm Bảo Long (Tập đoàn Bảo Việt) và VNI (Tổng công ty Hàng không Việt Nam).
Còn việc đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường bảo hiểm nhằm tăng năng lực theo chủ trương của Chính phủ qua đánh giá cũng đã mang lại những kết quả ban đầu. Đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có sự cải thiện nhất định về năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn, tăng năng lực tài chính như PVI Re, PTI, BIC, MIC..., tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài như PTI, BIC, thay đổi nhân sự cấp cao như Bảo hiểm PVI, Bảo Việt, PVI Re, PVI, BIC, PTI...
Hay với trường hợp tái cơ cấu mọi mặt, trong đó có tăng vốn để tồn tại, phát triển phù hợp với luật định như VASS, tại đại hội đồng cổ đông mới đây, bà Đỗ Thị Minh Đức, Chủ tịch HĐQT VASS cho biết, sau tái cấu trúc, Công ty đang từng bước chuyển mình, tạo đà hoàn thành kế hoạch năm 2015 và tiếp tục tái cấu trúc giai đoạn tiếp theo. 4 tháng đầu năm 2015, VASS đạt 320 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 40% kế hoạch năm 2015 (800 tỷ đồng).
Đánh giá về công tác tái cơ cấu của các doanh nghiệp bảo hiểm thời gian qua, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng, với tinh thần tự tái cơ cấu, từng doanh nghiệp bảo hiểm đã vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội. Riêng VASS, đã có những đổi thay đúng hướng và phù hợp với xu thế của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay.
Tại Bảo hiểm Bảo Long, ông chủ mới bao gồm 3 cổ đông lớn là những tổ chức tài chính lớn hiện nắm cổ phần tại Bảo hiểm Bảo Long gồm SCB, Eximbank và Vietcombank.
Còn tại BSH, ông chủ mới đồng thời là những ông chủ cũ SHB - SHS - T&T, nhưng có sự sắp xếp lại hoạt động cũng như cơ cấu lại về vốn. Hay tại GIC, chủ mới là các cổ đông lớn cùng với ERGO International AG - một trong những tập đoàn bảo hiểm lớn nhất châu Âu.
Sức ép đè sức ép…
Được đánh giá là điểm sáng của toàn ngành bảo hiểm, thế nhưng việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đặt ra những thách nhất định đối với các doanh nghiệp khi có sự xuất hiện của những ông chủ mới. Những doanh nghiệp này không phải đều đang hoạt động tốt, mà thường có những vấn đề trong hoạt động.
Do vậy, thách thức đặt ra với ông chủ mới trong việc làm thế nào để bù đắp phần doanh thu thiếu hụt sau sự ra đi của cổ đông lớn nhà nước trong quản trị điều hành doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp thuộc nhóm dưới (mới và nhỏ) thì thách thức được nhận diện rõ hơn khi cổ đông nhà nước vốn là “bà đỡ” từng mang lại nguồn doanh thu chính cho doanh nghiệp bảo hiểm nhóm này.
Câu chuyện bù đắp được phần doanh thu thiếu hụt của cổ đông nhà nước ngay sau thoái vốn càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh thị trường bảo hiểm chưa hết khó khăn, nhu cầu bảo hiểm được dự báo còn tăng chậm như mấy năm qua. Chưa kể, sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung khai thác thị trường bán lẻ với nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh, nợ phí kéo dài, trục lợi bảo hiểm tồn tại dai dẳng...
Một câu chuyện không có gì “bí mật” là trường hợp BSH, sau thoái vốn của cổ đông lớn TKV, doanh nghiệp này phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu lớn vào năm 2013, khi những hợp đồng bảo hiểm trong ngành than không còn sự “tác động” của cổ đông nhà nước trước đó.
Hay với VNI, sự ra đi của Tổng công ty Hàng không cũng đã khiến doanh nghiệp này đến năm 2015 không còn duy trì vị trí đứng đầu trong bảo hiểm hàng không tại thị trường Việt Nam (vị trí số 1 này đã thuộc về Bảo hiểm PVI). Đây cũng là điều được Ban lãnh đạo VNI tiên liệu từ trước.
“Sức ép đang đè lên sức ép”, một ông chủ mới nhận định và cho biết thêm ,doanh thu phí bảo hiểm thu về bị sụt giảm cùng với lãi suất tiền gửi thấp khiến doanh thu từ đầu tư giảm, gây áp lực lên lợi nhuận cũng như cổ tức cho cổ đông.
Tất nhiên, áp lực/thách thức sẽ đến từ 2 phía. Áp lực không chỉ từ doanh nghiệp bảo hiểm đặt ra cho ông chủ mới mà còn ở thế ngược lại, đó là từ ông chủ mới đặt ra cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ở chiều ngược lại, liệu ông chủ mới có đủ “tâm và tầm” như kinh nghiệm, hiểu thấu hoạt động doanh nghiệp, có đủ tiềm lực tài chính, tâm huyết để đưa doanh nghiệp vững bước đi lên. Bài toán ổn định nhân sự, đặc biệt là nhân sự chủ chốt dường như được bắt đầu lại từ đầu.
Thực tế cũng cho thấy, có trường hợp sau tái cơ cấu, do chủ mới hạn chế về tiềm lực tài chính, am hiểu thương trường, lại non trong năng lực điều hành nên có doanh nghiệp bảo hiểm đã tính phương án tìm ngay lập tức một ông chủ mới khác thay thế. Chưa kể, đó là thách thức khi chủ mới chỉ là cổ đông lớn mới, chứ không nắm quyền chi phối hoàn toàn, khiến việc tìm được tiếng nói chung với cổ đông lớn là các ông chủ cũ khác trở nên không dễ.
Năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hướng đến phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững theo xu thế hội nhập. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đối mặt với sức ép trên diện rộng từ tái cơ cấu toàn diện, tăng năng lực tài chính, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro...
Và với các doanh nghiệp nhóm dưới với những hạn chế trong hoạt động, quy mô nhỏ, lại đổi chủ thì sức ép trên còn lớn hơn. Đặc biệt là những thách thức trong việc tuân thủ các quy định mới như hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu khai thác bảo hiểm, quản lý khách hàng, quản lý đối tượng được bảo hiểm, quản lý đại lý, môi giới bảo hiểm, giám định bồi thường kết nối với hệ thống kế toán...
Sức ép, áp lực, đó là lẽ đương nhiên, không ngoại lệ với bất kỳ doanh nghiệp nào. Chỉ có điều, bảo hiểm lâu nay vốn được coi là sống nhờ các mối quan hệ, sự thân cận thì bất kỳ sự thay đổi nào liên quan đến sự ra đi của cổ đông lớn hay sự xuất hiện của cổ đông mới là những ông chủ mới sẽ là điều đặc biệt được lưu tâm.