Bộ hướng dẫn quản trị công ty trong doanh nghiệp nhà nước được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố lần đầu năm 2005 và vừa được sửa đổi phê duyệt vào tháng 7 năm nay.
Theo ông Hans Christiansen, năm 2015, bộ hướng dẫn được sửa đổi mạnh mẽ dựa trên kinh nghiệm trong 10 năm qua. 3 thay đổi căn bản được rút ra dựa trên sự trao đổi rộng khắp với 29 quốc gia tham gia đóng góp sửa đổi.
"Chúng tôi không khuyến nghị ồ ạt tư nhân hóa, nhưng trong một số trường hợp, chúng ta cần giới hạn doanh nghiệp nhà nước và chuyển giao cho khu vực tư nhân. Quá trình sửa đổi là một quá trình tiến hành rộng khắp với tất cả các thành viên và cả các nước ngoài OECD, tại châu Á có 3 quốc gia đã tham gia trực tiếp vào công việc này" ông Hans cho biết.
Tại Hội nghị, ông Hans đã giới thiệu ngắn gọn về tầm nhìn và ưu tiên chính của bộ hướng dẫn đồng thời trình bày 3 thay đổi căn bản.
Thứ nhất, về phạm vi áp dụng và định nghĩa, bộ hướng dẫn quy định, kể cả doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước, nhưng nếu được chi phối và quản lý chủ yếu bởi nhà nước thì vẫn trong phạm vi áp dụng.
Thứ hai, là sự xuất hiện của một chương mới về định nghĩa và truyền thông cơ sở lý luận về sở hữu nhà nước với các doanh nghiệp. Chương này đề cập đến việc phải xây dựng chính sách về sở hữu nhà nước như thế nào, định nghĩa mục tiêu của sở hữu nhà nước và xác định vai trò của quản trị nhà nước.
Thứ ba là việc sửa đổi các nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Các nguyên tắc đề ra là các doanh nghiệp nhà nước không nên được ưu ái gì với các hoạt động thương mại, không được dùng các doanh nghiệp nhà nước để phục vụ mục đích chính trị.
"Các doanh nghiệp nhà nước không nên được ưu ái gì với các hoạt động thương mại, không được dùng các doanh nghiệp nhà nước để phục vụ mục đích chính trị"
Nhà nước cần chú ý đến hành vi kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước, mở rộng phạm vi về quản trị rủi ro của hoạt động quản trị, bao gồm cả rủi ro liên quan đến quyền con người , môi trường, thuế…
Bộ hướng dẫn gồm 7 chương của OECD về công tác quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước là một công cụ hữu ích cho các cán bộ quản lý nhà nước.
Những khuyến nghị của OECD đều là các công cụ pháp lý, tuy nhiên, chỉ khuyến khích các nước thực hiện chứ không có sự bắt buộc. Việc tuân thủ hướng dẫn này có thể bao gồm cả các quốc gia không thuộc OECD.
Hội nghị lần thứ 8 của OECD về "Mạng lưới châu Á về Quản trị doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà nước năm 2015" dự kiến diễn ra trong 2 ngày từ 16-17/11. Trong ngày hôm nay, cùng với phần trình bày của OECD, đại diện của nhiều nước tập trung trao đổi và thảo luận về chủ đề cải cách quản trị doanh nghiệp nhà nước ở các quốc gia châu Á.
Hội nghị do Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc tài trợ và Viện Chiến lược phát triển, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Viện phát triển Hàn Quốc (KDI), Viện Tài chính công Hàn Quốc (KIPF) đồng tổ chức.