Trong báo cáo đánh giá mới nhất về nền kinh tế thế giới được công bố vào thứ Sáu (17/3), OECD đã gợi ý một bức tranh tươi sáng hơn về những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách cần phải đối mặt. OECD cũng đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ 2,2% trong báo cáo tháng 11 lên 2,6% và dự đoán lạm phát toàn phần sẽ yếu hơn ở nhiều quốc gia.
OECD cũng cảnh báo tốc độ mở rộng kinh tế toàn cầu sẽ vẫn ở dưới xu hướng vào năm 2023 và 2024 và sẽ đi kèm với nhiều thách thức. Điều quan trọng là áp lực về giá mạnh hơn dự kiến trước đây do chi phí dịch vụ tăng cao, lợi nhuận cao trong một số lĩnh vực và thị trường lao động vẫn thắt chặt.
“Chính sách tiền tệ cần tiếp tục hạn chế cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực lạm phát cơ bản được hạ thấp một cách lâu dài. Việc tăng thêm lãi suất vẫn cần thiết ở nhiều nền kinh tế, bao gồm cả Mỹ và khu vực đồng euro”, OECD cho biết.
OECD nhấn mạnh rằng, cuộc chiến của thế giới với giá cả tăng vọt còn lâu mới kết thúc, bất chấp những lo ngại việc thắt chặt nhanh chóng của các ngân hàng trung ương đã góp phần vào sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và cuộc khủng hoảng niềm tin vào Credit Suisse.
Vào thứ Năm (16/3), ECB đã tiếp tục với kế hoạch tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường trong những ngày gần đây. Trong khi đó, quyết định lãi suất tiếp theo của Fed là vào ngày 22/3.
Tuy nhiên, OECD cũng cho biết, các ngân hàng trung ương nên thận trọng vì khó đánh giá được toàn bộ tác động của lãi suất cao, điều đó có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nhiều hơn dự kiến và có thể bộc lộ rủi ro trong mô hình của một số tổ chức tài chính.
Các chính phủ cũng phải góp phần kiểm soát lạm phát bằng cách đảm bảo các chính sách tài khóa để giảm thiểu khủng hoảng năng lượng chỉ tập trung vào những người có nhu cầu.
OECD cho biết: “Việc nhắm mục tiêu tốt hơn và giảm hỗ trợ tổng thể kịp thời sẽ giúp đảm bảo tính bền vững tài chính, duy trì các khuyến khích giảm sử dụng năng lượng và hạn chế kích thích nhu cầu bổ sung vào thời điểm lạm phát cao”.