Ðể thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững, cần huy động nguồn lực của toàn xã hội.
Trong đó, ngành ngân hàng có trách nhiệm trong việc hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường là mắt xích lớn, đặc biệt quan trọng.
Ngành ngân hàng chủ động đẩy mạnh tín dụng xanh
Hệ thống tài chính ngân hàng, một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các khu vực kinh tế hoạch định nhằm phát triển kinh tế bền vững.
Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, ngày 24/03/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Theo đó, ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh;
Tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Tại NHNN, các đơn vị đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thống đốc NHNN nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.
Chẳng hạn, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh theo định hướng, mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt; là đầu mối tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho hoạt động tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội; hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD)xây dựng và triển khai hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội…
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đề xuất với Thống đốc NHNN các giải pháp thực hiện công tác quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.
Chỉ thị 03 cũng bước đầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của các TCTD đối với công tác bảo vệ môi trường xã hội thông qua hoạt động cấp tín dụng.
Qua đó, các TCTD sẽ ngày càng cải thiện chất lượng danh mục tín dụng; xác định và quản lý hiệu quả rủi ro môi trường - xã hội; kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng tới từng khoản vay; mở rộng thị phần nhờ sản phẩm/dịch vụ mới thân thiện với môi trường (tài trợ các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, các thị trường chưa khai thác…).
Ðồng thời, NHNN thực hiện lồng ghép quy định về quản lý rủi ro môi trường - xã hội tại Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng để tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD phát triển tín dụng xanh.
Ðồng thời, NHNN dự kiến sẽ xây dựng một kế hoạch chung của ngành ngân hàng, bao gồm hệ thống các hành động, giải pháp toàn diện từ cơ chế, chính sách đến các chương trình tín dụng xanh cụ thể, cũng như có các cơ chế khuyến khích, tăng cường vốn và năng lực… nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng có thể phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hiện NHNN đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức có liên quan để tìm kiếm cơ chế hỗ trợ, tăng cường vốn và năng lực nhằm hỗ trợ các TCTD thực hiện, triển khai các chương trình tín dụng xanh.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục hợp tác với các tổ chức tài chính phát triển quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bền vững, tín dụng xanh để nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực ngành ngân hàng trong các lĩnh vực xanh, sạch - một hoạt động còn tương đối mới mẻ đối với thị trường Việt Nam.
OCB: Tín dụng xanh là cơ hội để mở rộng kinh doanh
Theo các chuyên gia, để có thể phát triển tín dụng xanh, các TCTD phải là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, giữa bên thừa vốn và thiếu vốn; tham gia vào quá trình đánh giá và quản lý rủi ro các dự án đầu tư, bao gồm cả rủi ro môi trường.
Ðồng thời, hoạt động của các ngân hàng cũng cần tránh tác động trực tiếp tới môi trường thông qua việc ứng dụng công nghệ để phi chứng từ hóa các phương tiện thanh toán, áp dụng ngân hàng điện tử trực tuyến...
NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, trong đó nêu rõ, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.
Ngân hàng TMCP Phương Ðông (OCB) là một trong những ngân hàng tiên phong áp dụng quy chế xét duyệt tín dụng về bảo vệ môi trường, tín dụng xanh.
Cụ thể, OCB đã đưa vào quy trình thẩm định tín dụng các yêu cầu liên quan đến tác động môi trường; đẩy mạnh đầu tư vào các dự án năng lượng điện mặt trời, năng lượng tái tạo, cũng như mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm xanh với mục tiêu “Vì một môi trường, nền nông nghiệp xanh - sạch - an toàn”.
Theo đó, OCB triển khai nhiều chính sách ưu đãi trong việc cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp cá nhân, góp phần tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
Tín dụng xanh được hiểu là việc các ngân hàng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất - kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung.
Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, OCB dành nguồn vốn hơn 10.000 tỷ đồng cấp tín dụng xanh cho các mục đích đầu tư máy móc, thiết bị, bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh các sản phẩm, thiết bị thân thiện môi trường, hoặc cung cấp vốn đầu tư đối với các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo, tài trợ nông nghiệp xanh.
Trên thực tế, OCB đã đầu tư các dự án nông nghiệp sạch, organic, cũng như tài trợ các dự án điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối (từ bã cây mía) của đối tác chiến lược - Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) và các đối tác, khách hàng doanh nghiệp khác nhằm “xanh hóa” dòng vốn tín dụng.
Ngoài ra, OCB còn kết hợp với Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC - Sugar) hỗ trợ vốn cho người nông dân trồng mía để giải quyết khó khăn về vốn.
Bà Ðào Minh Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Khách hàng doanh nghiệp OCB cho biết: “Với doanh nghiệp, tín dụng xanh là giải pháp quan trọng, giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống và quy trình sản xuất đến môi trường và xã hội, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế.
Về phía ngân hàng, việc triển khai chương trình tín dụng xanh không chỉ giúp giảm thiểu các khoản nợ khó đòi, tăng cường mức độ ổn định tài chính, mà còn bảo vệ hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng trên thị trường. Do đó, OCB coi đây là cơ hội để mở rộng kinh doanh, là một chiến lược trọng tâm trong thời điểm này”.
Ðại diện OCB chia sẻ, các sản phẩm của gói tín dụng xanh này kỳ vọng sẽ chiếm 10% trong tổng doanh thu tín dụng năm nay. Hiện tại, thị trường chưa có sản phẩm cho vay tương tự, nên sản phẩm này sẽ là cú hích thương hiệu cho OCB.
Tại OCB, bên cạnh lãi suất vay hấp dẫn, điều kiện vay vốn đối với tín dụng xanh cũng được mở rộng theo hướng đa lĩnh vực, đa đối tượng hơn.
Trước kia, khái niệm “xanh” thường được hiểu là các dự án liên quan đến môi trường, liên quan nhiều đến việc tài trợ các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Các dự án này thường có quy mô lớn, thời gian hoàn vốn lâu, nên ít tổ chức tín dụng mặn mà với tín dụng xanh.
Tuy nhiên, hiện nay, các dự án xanh được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Các dự án có quy mô nhỏ, các dự án sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, các khoản vay mua thiết bị tiết kiệm năng lượng, các tòa nhà sử dụng hiệu quả tài nguyên, hộ gia đình vay lắp đặt điện mặt trời áp mái... cũng có thể được xem xét tài trợ vốn giá rẻ.
Ðối với cá nhân, doanh nghiệp, để có thể được xét duyệt vay vốn, ngoài chứng minh được yếu tố xanh trong dự án, thì còn phải cho thấy được khả năng quản trị và kinh nghiệm trong phát triển dự án xanh.
Ðiều này cũng đặt ra thách thức chung đối với người đi vay, đó là phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị, thì mới có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng để phát triển lĩnh vực sạch, xanh.