Bài 4: Lời trần tình của doanh nghiệp vận tải, logistics
Doanh nghiệp vận tải, logistics là đối tượng đầu tiên hứng chịu tác động của giá xăng tăng. Họ buộc phải tăng cước phí, khiến giá hàng hóa lên theo. Nhưng khi xăng hạ, chi phí logistics, cước vận tải nhiều nơi vẫn giữ nguyên, khiến dư luận không khỏi thắc mắc.
Lúc xăng tăng thì chỉ cố sống sót
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đăng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Khởi Long chia sẻ, khi xăng dầu vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, doanh nghiệp đã chuyển sang dùng xe đầu kéo đời mới để tiết kiệm nhiên liệu.
“Trước đây, dùng xe đầu kéo đời cũ tiêu tốn 30-40 lít dầu với quãng đường 100 km. Khi sử dụng xe đầu kéo mới, mức tiêu hao nhiên liệu ít hơn, nên tiết kiệm được một phần chi phí để bù vào phần giá xăng, dầu tăng. Doanh nghiệp của tôi còn chuyển đổi xe nâng hàng từ xe chạy dầu sang xe điện để tiết giảm chi phí”, ông Hải nói.
Khi cơn bão giá đầu vào chưa có dấu hiệu dừng lại, các doanh nghiệp phải xoay xở bằng nhiều cách để giảm bớt chi phí. Theo bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần MP Logistics, khi giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp phải chủ động đàm phán với khách hàng để hai bên cùng chia sẻ phần chi phí đội lên do giá nhiên liệu tăng.
Tiếp đến là tăng cường hợp tác hỗ trợ nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ví dụ, MP Logistics một ngày đang thuê ngoài 500 xe vận chuyển hàng hóa, để tối ưu quá trình vận chuyển, hạn chế xe chạy rỗng một chiều, doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau để xe có hàng hai chiều, tránh lãng phí nhiên liệu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có một số doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác đều cắt giảm chi phí để ứng phó với tình hình giá nhiên liệu tăng cao. Đơn cử, một doanh nghiệp vận tải ở Bình Dương đã điều chỉnh từ xe đầu kéo lớn 10 bánh thành đầu kéo nhỏ 6 bánh nhằm tiết kiệm chi phí xăng dầu. Doanh nghiệp này cũng tự sửa xe để giảm bớt chi phí.
Xăng hạ, phí logistics chỉ có thể giảm khâu vận tải
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, sau khi giá xăng giảm 2 đợt liên tiếp, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã tính toán chỉ có thể giảm giá ở khâu vận tải từ 15 đến 20%, mức giảm này tương ứng với mức giảm của giá xăng dầu. Trong khi khâu vận tải chỉ là một trong hàng loạt chi phí logistics.
Còn theo ông Nguyễn Đăng Hải, từ lúc xăng dầu tăng giá nhiều lần, doanh nghiệp và khách hàng đã ngồi lại với nhau để thống nhất tăng giá ở mức rất thấp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm các loại thuế, phí
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4648/VPCP-KTTH ngày 25/7/2022 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí.
Theo đó, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh... Việc nghiên cứu giảm thuế, phí liên quan đến xăng dầu là để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ cho cả trước mắt và trung hạn. Kết quả báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/7.
“Do trước đây tăng giá ở mức thấp, nên khi xăng giảm 2 lần liên tiếp thì hai bên cũng chỉ có thể ngồi lại với nhau để đưa ra các giải pháp hỗ trợ qua lại đôi bên cùng có lợi, chứ doanh nghiệp không thể giảm giá thêm vì nhiều chi phí đầu vào logistics không giảm”, ông Hải nói.
Việc không thể giảm phí, theo nhiều doanh nghiệp logistics, họ không chỉ chịu khó khăn cơn “bão giá” xăng dầu, mà rất nhiều chi phí đầu vào khác đang đè nặng doanh nghiệp như phí lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, vận chuyển, làm thủ tục hải quan...
Tất cả dẫn tới chi phí logistics của Việt Nam chiếm 16,8% giá trị hàng hóa, trong khi chi phí này trên thế giới chỉ khoảng 10,6%.
Đó là chưa kể, từ ngày 1/8, TP.HCM áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển theo mức mới, trong khi doanh nghiệp vẫn phải chịu cảnh kẹt xe ra vào cảng Cát Lái. Đây là điều bất cập hiện nay bởi doanh nghiệp vừa phải đóng phí hạ tầng cảng biển, vừa tốn thêm chi phí xăng dầu vì kẹt xe.
Thế nên, ông Lê Duy Hiệp cho rằng, việc cắt giảm chi phí logistics hiện nay là rất khó.
Cước vận tải nơi giảm, nơi vẫn “đứng im”
Việc giá xăng, dầu giảm là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, thế nhưng, nhiều doanh nghiệp ngành này cho rằng, vẫn chưa thể giảm giá cước vận tải ngay được. Chỉ khi nào giá xăng dầu giảm liên tục trong nhiều kỳ thì doanh nghiệp mới tính tới việc giảm giá cước.
Ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Hãng taxi Vinasun) phân tích, giá cước vận tải so với giá xăng dầu luôn có độ trễ nhất định. Chẳng hạn, giá xăng dầu tăng liên tục thì phải sau hơn 3 tháng, các doanh nghiệp vận tải mới gửi đơn xin các sở, ngành cho tăng giá cước. Thường doanh nghiệp gửi văn bản về các sở: Giao thông - Vận tải, Tài chính, Cục Thuế… chờ các cơ quan đó có ý kiến. Sau 10 ngày, nếu cơ quan quản lý không có ý kiến là doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm.
“Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu thế giới vẫn diễn biến khó lường, có thể 10 hoặc 20 ngày sau giá tăng trở lại, việc đệ đơn xin giảm lúc này thì hãng taxi chưa đề cập đến và vẫn phải nghe ngóng thị trường một thời gian. Bởi lẽ, mỗi lần điều chỉnh thì hãng đều phải xin phép điều chỉnh giá cước, niêm yết chi phí này trên xe và cũng gây tốn kém”, ông Hỷ nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty vận chuyển Á Châu (trụ sở quận 12, TP.HCM), đơn vị vận tải hàng tuyến Bắc - Nam cho hay, khác với các doanh nghiệp vận tải hành khách, doanh nghiệp vận tải hàng hóa có thể điều chỉnh giá cước với hợp đồng cũ ngay khi giá xăng dầu giảm. Còn hợp đồng mới thì phải chờ nghe ngóng thêm, vì cần có độ trễ điều chỉnh giá. Trong các hợp đồng của doanh nghiệp đều quy định rõ giá xăng dầu chiếm 35% tỷ trọng giá cước vận tải, khi giá mặt hàng này biến động trong phạm vi 10% thì giá vận chuyển sẽ thay đổi tương ứng.
Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp vận tải chưa thể giảm ngay dù ký kết hợp đồng có kỳ hạn cố định theo tháng/quý, hay loại hợp đồng có điều chỉnh giá khi có biến động giá xăng, dầu.
“Giai đoạn vừa rồi, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng theo dạng có kỳ hạn cố định, nếu có tăng cước cũng chỉ tăng rất ít, không đáng kể, nên phải “gồng mình” gánh giá xăng, dầu tăng. Như thế thì sẽ khó giảm giá cước ngay thời điểm này”, ông Lê Ngọc Nam, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa có trụ sở tại quận 7, TP.HCM nói.
Chia sẻ thêm về những tác động ngoài giá xăng dầu mà doanh nghiệp phải hứng chịu, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, dù giá xăng dầu đã giảm, nhưng các doanh nghiệp vận tải còn đau đầu bởi giá các chi phí đầu vào khác như vật tư, phụ tùng, nhất là khi bị đứt gãy chuỗi vận chuyển do Covid-19, khiến giá những nguyên vật liệu này tăng mạnh.
Nghĩa là, việc giảm giá hàng hóa “ăn theo” cước vận tải còn là chuyện... dài kỳ.
(Còn tiếp)