“Gồng hết nổi xin quý khách thông cảm”
Bước vào quán phở Hưng Thịnh ở phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), chúng tôi bắt gặp ngay dòng chữ nguệch ngoạc viết vội lên tường: “Xin phép lên giá, mỗi tô 3 ngàn. Gồng hết nổi, quý khách thông cảm!”.
Anh Tuấn Đạt (33 tuổi), chủ quán thanh minh: “Hồi trước, khi xăng chưa tăng giá, quán bán 35.000 - 55.000 đồng tùy tô, nhưng nay lên mỗi tô 3.000 đồng mới bù đắp nổi chi phí. Tôi không muốn lên giá vì mong khách ăn vừa túi tiền, nhưng vì vật giá leo thang, nguyên liệu tăng mạnh nên tôi đành phải tăng giá bán nếu không sẽ lỗ”.
Dòng chữ “Xin phép lên giá, mỗi tô 3 ngàn. Gồng hết nổi, quý khách thông cảm!” của quán phở Hưng Thịnh (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) |
Trong khi các nhà hàng, quán ăn tư nhân có thể điều chỉnh giá món để bù đắp chi phí, thì quán Tocotoco 95 - Dân Chủ (TP. Thủ Đức) vốn là cửa hàng nhượng quyền của một thương hiệu trà sữa lớn nên không thể tự ý thay đổi giá bán, mà phải theo quy định của hệ thống. Nhưng bởi “chịu không nổi”, chủ cửa hàng dán giấy trước cửa đề nghị khách và shiper tự trông xe do quán cắt giảm bảo vệ.
"Đợt tăng giá hàng hóa vào thời điểm này của thị trường là đáng chú ý nhất vì biên độ tăng và số lượng mặt hàng buộc phải tăng giá là rất lớn. Sức mua hiện tại yếu, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên mua sắm hàng thiết yếu nên Co.opmart, Co.opXtra và các nhà cung cấp đang thống nhất phối hợp chia sẻ lợi nhuận, rà soát cắt giảm chi phí vận hành để không những giữ giá, mà còn tiết kiệm tối đa chi phí để thực hiện khuyến mãi kích cầu, duy trì sức mua."
- Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart
“Quán mình đã giảm khoảng 20% lượng khách. Bên cạnh việc cắt giảm bảo vệ, quán cũng không sử dụng tầng 2 nữa, mà chỉ để khách ngồi tầng 1 nhằm giảm tiền điện”, chủ quán Tocotoco 95 - Dân Chủ không giấu giếm.
Với nhà hàng lớn, áp lực tăng giá để bù lỗ, hay không tăng giá để giữ khách còn vật vã hơn. Là chủ nhà hàng lẩu 4 tầng ở đường Nguyễn Gia Trí (khu kinh doanh sầm uất bậc nhất ở quận Bình Thạnh, TP.HCM), chị Như Huệ cho hay, những ngày này, mỗi lần nhập nguyên liệu, chị không khỏi “đau đầu” bởi giá cả tăng gấp 2,5 lần so với thời điểm 3 tháng trước.
“Ngay cả căn nhà này tôi thuê với giá 150 triệu đồng/tháng để kinh doanh đã là rất cao, mà đến đầu tháng 8 tới phải đóng thêm 10% nữa theo yêu cầu chủ nhà. Giá món ăn nhà hàng cũng phải tăng để bù chi phí, nhưng nếu tăng quá thì sẽ mất khách. Tăng mức bao nhiêu quả là bài toán khó”, chị Huệ nói.
Cũng có nơi chọn giải pháp lỗ hoặc hòa vốn để giữ khách, để đón “trời quang” sau “bão giá”. Điển hình, anh An Đoàn, chủ nhà hàng Anhouse Cafe & Craft Beer cho biết, nhà hàng đã giảm 30% lợi nhuận mỗi tháng. “Dự kiến trong quý tiếp theo, nếu tình hình lạm phát không giảm, nhà hàng sẽ tăng giá trong biên độ cho phép là khoảng 10% trên thực đơn để duy trì hoạt động kinh doanh”, anh An Đoàn nói.
Ngành hàng không thiết yếu như… chợ chiều
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cắt giảm tối đa mặt hàng không thiết yếu, ưu tiên cho nhu yếu phẩm, nên các siêu thị hàng điện máy, công nghệ lâm cảnh “chợ chiều” dù rầm rộ giảm giá khuyến mãi, tặng quà, tăng thời hạn bảo hành, tặng voucher, mua trả góp không lãi suất.
Đơn cử, tại hệ thống Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim đang triển khai hoạt động giảm giá mạnh lên đến gần 50% cho nhóm sản phẩm điện máy.
Hệ thống điện máy Thiên Nam Hòa đang chạy chương trình khuyến mãi "Alo Hè! Mưa deal mát mẻ", áp dụng cho đa dạng ngành hàng, với nhiều hình thức ưu đãi.
Siêu thị điện máy căng biển siêu giảm giá, nhưng khách vẫn đìu hiu |
Tương tự, Điện máy Chợ Lớn cũng đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại cho điều hòa đến từ nhiều thương hiệu, tặng phiếu mua hàng và miễn phí vận chuyển, lắp đặt cho khách.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, những hoạt động khuyến mãi, giảm giá chưa đủ sức kích cầu tiêu dùng. Theo chị Lê Thu Hương, phụ trách kinh doanh tại một siêu thị điện máy trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TP.HCM), trước đây các hệ thống bán lẻ chỉ chạy chương trình ưu đãi vào các dịp lễ, còn năm nay phải chạy gần như mỗi tuần với số lượng quà tặng “khủng” để thu hút khách hàng. Không chỉ mặt hàng cũ, mà cả những mẫu mới nhất cũng đều có thông tin giảm giá, tặng quà, trả góp không lãi suất… nhưng mức tiêu thụ vẫn rất chậm.
Anh Nguyễn Hoàng, nhân viên bán hàng tại một siêu thị điện máy ở đường Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức) thở dài: “Trước đây, bình quân mỗi ngày siêu thị thu hút khoảng 1.000 lượt khách hàng, nhưng nay chỉ khoảng 200 lượt người đến mua sắm. Thậm chí, có ngày chỉ vài chục khách đến siêu thị, song chỉ đến khảo giá, chứ không mua hàng”.
Với hệ thống Bách hóa Xanh (đang đóng hơn 300 cửa hàng), ông Đặng Thanh Phong, Giám đốc truyền thông của Thế giới Di động (đơn vị chủ quản Bách hóa Xanh) cho hay: “Đây là thời điểm khó khăn với hầu hết người tiêu dùng, vì thế, các hệ thống thuộc Thế giới Di động đang tích cực đưa ra các chương trình ưu đãi nhằm giảm gánh nặng chi tiêu cho khách hàng. Đồng thời làm việc với các hãng, nhà cung cấp và tối ưu hóa quy trình để giảm chi phí, chuyển phần lợi ích này cho khách hàng”.
“Nghiến răng” giảm lợi nhuận để “vượt bão”
Nguyên liệu đầu vào đã tăng 5-10% ở các mặt hàng như rau, củ, quả… nhưng các tiểu thương ở chợ Bến Thành vẫn chấp nhận giữ giá bán hoặc tăng nhẹ 2.000-3.000 đồng. Các tiểu thương đang chấp nhận giảm lợi nhuận 30-50%/tháng để đạt mục tiêu tăng lượng khách mua sắm.
Ông Nguyễn Vĩnh Hà, đội trưởng nghiệp vụ chợ Bến Thành
Giá cả leo thang, nhưng thu nhập người dân không tăng, khiến ngay cả những chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm thiết yếu cũng phải vật lộn đối phó.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Vận hành chuỗi Co.opmart thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) chia sẻ, với xu hướng chỉ ưu tiên mua sắm hàng thiết yếu nên Co.opmart, Co.opXtra và các nhà cung cấp đang thống nhất phối hợp rà soát cắt giảm chi phí vận hành để tiết kiệm tối đa, không những giữ giá, mà còn thực hiện khuyến mãi kích cầu, duy trì sức mua.
“Chủ trương của Saigon Co.op là nói không với các đề nghị tăng giá bất hợp lý. Muốn tăng giá, đơn vị cung cấp phải chứng minh được chi phí đầu vào tăng một cách khách quan và ảnh hưởng trực tiếp lên chi phí sản xuất của lô sản phẩm đó. Ngoài ra, việc áp dụng tăng giá còn phải xem xét dựa trên sức mua chung và độ trễ đặc trưng của từng ngành hàng”, ông Thắng nói về giải pháp của Saigon Co.op.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành Hệ thống siêu thị WinMart cho biết, cả các mặt hàng trong hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ cũng chịu ảnh hưởng do áp lực từ các nhà cung cấp. Tuy nhiên, WinCommerce vẫn đang chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm trì hoãn việc tăng giá, đặc biệt với nhóm hàng nhu yếu phẩm…
Theo vị đại diện WinMart, bên cạnh việc duy trì đàm phán, phối hợp với các đối tác, nhà cung cấp để kìm giá, doanh nghiệp còn chủ động cam kết thu mua số lượng lớn để tạo đầu ra ổn định cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp, giúp giữ giá cả ổn định đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, WinMart cũng chủ động sản xuất những sản phẩm nhãn hàng riêng như WM Good, WM Home, WM Cook, WM Care, WinEco với quy trình khép kín, đảm bảo kiểm soát được chất lượng đầu ra và giá thành ổn định.
Còn với hệ thống siêu thị Aeon Mall, theo ông Bùi Trung Chính, Giám đốc Khối thu mua ngành hàng thực phẩm của AEON Việt Nam, vào một số giai đoạn cao điểm, nhà bán lẻ này chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành với khách hàng. Bên cạnh đó, AEON Việt Nam cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi và khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng như "Thứ 4 vui vẻ", "Ngày hội thành viên 5&20 hàng tháng", hay chương trình "Giá thấp mỗi ngày".
Giá thành sản phẩm tăng, hơn ai hết người kinh doanh dịch vụ mong ngóng giải pháp ở đầu nguồn sản xuất. Nhưng các nhà sản xuất cũng có nỗi khổ riêng bởi chung “dây chuyền” domino bão giá.
(Còn tiếp)