Nửa đầu năm, khối công ty chứng khoán lớn tiếp tục bứt tốp

(ĐTCK) Quý II/2015, trong Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên hai sàn, hiện có 3 công ty công bố giảm doanh thu, 4 công ty giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Top 10 vẫn là những cái tên quen thuộc và dần kéo rộng khoảng cách với phần còn lại.
Nửa đầu năm, khối công ty chứng khoán lớn tiếp tục bứt tốp

“Soi” kết quả kinh doanh quý II/2015 của Top 10

Trong Top 10 CTCK (ngoại trừ VCSC chưa công bố báo cáo tài chính), dẫn đầu về chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận vẫn là CTCK Sài Gòn (SSI) với lợi nhuận quý II/2015 đạt 368,5 tỷ đồng, tăng 55,27% so với cùng kỳ năm 2014 nhờ khoản hoàn nhập dự phòng 232 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ hoàn nhập dự phòng cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai Agrico (HNG). Tính đến cuối quý II/2015, dự phòng cho cổ phiếu HNG chỉ hơn 34 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối quý I/2015 là 298 tỷ đồng.

Về doanh thu, doanh thu tự doanh (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu) của SSI trong quý II/2015 giảm 36% còn 181,5 tỷ đồng khiến tổng doanh thu trong kỳ giảm gần 19% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu môi giới của SSI tăng nhẹ 5%.

Liên tiếp trong quý I và II/2015, SSI duy trì vị trí CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu niêm yết lớn nhất trên cả hai Sở GDCK, trong đó, tỷ trọng khách hàng tổ chức chiếm 40% và cá nhân chiếm 60% doanh số giao dịch.

Vị trí thứ 2 về thị phần môi giới là CTCK TP. HCM (HSC, mã chứng khoán HCM). Trong quý II/2015, Công ty ghi nhận doanh thu 136 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng, lần lượt giảm 31% và 45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu môi giới tương đương cùng kỳ, ở mức 63,7 tỷ đồng, doanh thu tự doanh giảm 80% còn 10 tỷ đồng, doanh thu khác (chủ yếu là doanh thu giao dịch ký quỹ) giảm 19% còn 60,74 tỷ đồng.

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) có các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận quý II/2015 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014: doanh thu tăng 44%, lợi nhuận sau thuế tăng 2,5 lần.

Nửa đầu năm, khối công ty chứng khoán lớn tiếp tục bứt tốp  ảnh 1

Kết quả kinh doanh của một số CTCK (Đơn vị: tỷ đồng) 

Đối với CTCK VNDirect (VNDS), ngoại trừ doanh thu môi giới sụt giảm 15%, các mảng khác đều có sự tăng trưởng, đặc biệt là doanh thu tự doanh tăng 50% và doanh thu khác tăng 46%, giúp Công ty lãi sau thuế hơn 36 tỷ đồng trong quý II/2015. Cụ thể, doanh thu tự doanh đạt 21,6 tỷ đồng, doanh thu khác (chủ yếu doanh thu cho vay margin) hơn 60 tỷ đồng, chiếm gần 52% trong tổng doanh thu.

Phải thu giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư ở mức 1.486 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 34%, nên lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VNDS, giá trị giao dịch qua Công ty tăng 15% trong 6 tháng đầu năm. Tại thời điểm cuối quý II/2015, Công ty có hơn 1.845 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, trong đó tiền gửi của NĐT về giao dịch chứng khoán là 1.164 tỷ đồng.

CTCK ACB (ACBS) ghi nhận sự sụt giảm mạnh từ mảng tự doanh hơn 84%, doanh thu khác và doanh thu môi giới lần lượt giảm 13% và 20%, chỉ có doanh thu tư vấn gấp nhiều lần, nhưng con số tuyệt đối lại khá khiêm tốn với hơn 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của ACBS giảm 58% xuống mức 16,6 tỷ đồng, theo đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 32 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước.

Xếp thứ 7 trong bảng thị phần môi giới trên HOSE và thứ 5 trên HNX, CTCK MB (MBS) có doanh thu môi giới quý II/2015 tăng 7%, đạt 25,3 tỷ đồng, doanh thu tự doanh tăng gần gấp đôi, đạt hơn 25 tỷ đồng và doanh thu khác tăng 31%, ở mức 43,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, MBS đạt doanh thu 145,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 29,27 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 29% và 59% kế hoạch năm.

CTCK FPT (FPTS) đạt 63,5 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2015, trong đó doanh thu mảng tư vấn đạt 7 tỷ đồng, tăng 151%; lợi nhuận sau thuế hơn 32 tỷ đồng, tăng 15%. Cuối quý II/2015, FPTS có 1.150 tỷ đồng phải thu về giao dịch ứng trước tiền bán, giao dịch ký quỹ…, tăng thêm 57 tỷ đồng so với đầu kỳ; khoản phải thu khách hàng tăng từ 522 tỷ đồng lên 1.287 tỷ đồng.

Tại CTCK Bảo Việt (BVSC), Công ty đạt lợi nhuận sau thuế gần 30 tỷ đồng trong quý II/2015, tăng 15% nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm và được hoàn nhập 3,3 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán tự doanh.

Tại thời điểm cuối quý II/2015, BVSC có khoản phải thu khách hàng vay margin 465 tỷ đồng, tăng hơn 12 tỷ đồng và phải thu khách hàng vay ứng trước tiền bán chứng khoán là 205 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng.

Đối với CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI), các mảng hoạt động trong quý II/2015 tăng trưởng đáng kể, nhưng do doanh thu khác sụt giảm hơn 40% khiến tổng doanh thu chỉ tăng 2%, đạt 134,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 48 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2014.

Ngoài Top 10, một số “ấn tượng”

CTCK KIS Việt Nam gây ấn tượng khi doanh thu môi giới trong quý II/2015 tăng 115%, đạt 10,97 tỷ đồng; doanh thu khác tăng 150%, đạt 18 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 12,6 tỷ đồng so với số lỗ 113 triệu đồng trong quý II/2014.

CTCK Kim Long (KLS) có doanh thu quý II/2015 giảm 12% (đạt 34,436 tỷ đồng), nhưng doanh thu tự doanh tăng 300% (đạt 13,2 tỷ đồng), trong đó phần lớn là từ cổ tức. Trong kỳ, KLS lãi 38,5 tỷ đồng, tăng 270% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tại ngày 30/6/2015, Công ty đã đầu tư 863 tỷ đồng vào chứng khoán thương mại.

Tại một số CTCK khác, hoạt động mang lại doanh thu chủ yếu là môi giới và ký quỹ. Trong đó, có công ty có sự tăng trưởng mạnh, nhưng con số tuyệt đối khá khiêm tốn. Chẳng hạn, doanh thu môi giới của CTCK Tầm Nhìn tăng từ 1 triệu đồng trong quý II/2014 lên 6,6 tỷ đồng trong quý II/2015.

Nhìn chung, đa số CTCK quy mô nhỏ có sự sụt giảm về doanh thu trong quý II/2015. Chẳng hạn, IVS có mức giảm lần lượt 9% và 18% với hai mảng trên, khiến lợi nhuận trong kỳ chỉ đạt 875 triệu đồng, lũy kế 6 tháng vỏn vẹn 1 tỷ đồng, bằng 3% kế hoạch năm. Tương tự, doanh thu môi giới của CTCK Mirae Asset giảm 12%, doanh thu khác giảm 26%...

Kết quả kinh doanh hai quý đầu năm cho thấy, cuộc đua thị phần môi giới đang cạnh tranh gay gắt. Nhiều CTCK lớn liên tục tuyển dụng thêm nhân sự môi giới, gia tăng năng lực tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư, các CTCK nhỏ thì có một vài công ty bứt tốc, nhưng cũng có những công ty đang mất dần thị phần ít ỏi của mình.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,215.68 -0.93 -0.08% 303,258 tỷ
HNX 228.83 -0.88 -0.39% 2,702 tỷ
UPCOM 88.63 -0.35 -0.39% 724 tỷ