Dưới góc nhìn của bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), kinh tế tư nhân phát triển sẽ góp phần phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới tồn tại lâu nay.
Phát triển khu vực kinh tế tư nhân góp phần tạo cơ hội để trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Từ những trải nghiệm của bản thân, bà nhìn nhận thế nào về điều này?
Trong khoảng 2 năm gần đây, từ khi kinh tế tư nhân được xác định trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, khu vực này đã được tiếp thêm sức mạnh.
Chính sách này cũng dần làm thay đổi tư duy về kinh doanh, chú trọng vào chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhiều rào cản đã được phá bỏ.
Các chính sách của Nhà nước cũng đã nới lỏng và tạo điều kiện thuận lợi hơn, nên các doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn lực và cách thức vận hành. Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển chung.
Khi nền kinh tế càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Ðiều này phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trên thị trường lao động.
Theo thống kê, trong số lãnh đạo các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có khoảng 5% là phụ nữ. Là một trong những nữ lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết có tầm ảnh hưởng nhất thị trường, theo bà, có những thách thức và thuận lợi gì với các nữ doanh nhân trong việc gia tăng quy mô và vị thế doanh nghiệp?
Cá nhân tôi nhận thấy rằng, có 2 khó khăn khi phụ nữ làm lãnh đạo. Thứ nhất là độ "liều". Phụ nữ sẽ cẩn trọng hơn, không quyết đoán, liều lĩnh bằng nam giới nên đôi lúc sẽ bỏ qua những cơ hội tốt. Thứ hai là khả năng nhạy bén với công nghệ mới không bằng nam giới.
Tuy nhiên, nữ lãnh đạo lại có lợi thế về sự chi tiết so với nam giới. Trong công việc, phụ nữ thường kiên nhẫn, tỉ mỉ hơn đàn ông, nên ít khi bỏ cuộc giữa chừng. Cũng nhờ vào tính cẩn trọng, chi tiết mà các doanh nghiệp có phụ nữ lãnh đạo sẽ có độ an toàn cao hơn, ít rủi ro hơn.
Trong quá trình lãnh đạo FPT Retail (có thể coi là từ khởi nghiệp), đâu là những chính sách bà ưu tiên để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp? Nhìn rộng ra với các doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam, theo bà, đâu là những chính sách cần được lưu tâm?
Với FPT Retail, ngay từ ban đầu tôi đã chú trọng vào 3 yếu tố:
Thứ nhất, nguồn nhân lực. Theo đó, song song với việc đào tạo nhân viên, cần phải xây dựng được môi trường làm việc minh bạch, công bằng, thưởng phạt rõ ràng, nhưng quan trọng hơn là luôn có sự chia sẻ, động viên chân thành từ sếp gửi đến nhân viên.
Thứ hai, xây dựng phần mềm quản trị, ứng dụng công nghệ vào công tác quản trị sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.
Thứ ba, tạo ra nhận diện thương hiệu trong thời gian ngắn nhất, cụ thể hóa bằng việc tìm ra công thức chọn địa điểm để xây dựng chuỗi cửa hàng.
Ở góc nhìn rộng hơn, để có thể thành công và phát triển, các doanh nghiệp tư nhân cần tập trung vào các yếu tố như nguồn vốn, năng lực quản trị, nguồn nhân lực, khả năng ứng dụng công nghệ, có chiến lược liên doanh - liên kết để tạo được sức mạnh tổng hợp.
Ðồng hành với FPT Retail và chưa từng có ý định rời bỏ, bà và các cộng sự có khát vọng như thế nào với “đứa con” này và mỗi khi đặt ra một bài toán, một ngã rẽ mới, đâu là nguyên tắc bà luôn tuân theo?
Mong muốn của tôi là đưa FPT Retail trở thành công ty bán lẻ đa ngành. Nguyên tắc của tôi là luôn cẩn trọng, quan sát một cách tổng thể và không ngừng học hỏi. Một khi đã chọn con đường nào đó thì phải kiên nhẫn và quyết tâm đi tới cùng.
Có nhiều nữ doanh nhân dường như có thái độ cầu toàn và ôm đồm quá nhiều việc khiến doanh nghiệp khó thoát khỏi cái bóng quá lớn của lãnh đạo. Bà nghĩ gì về điều này và với cá nhân mình, bà giải quyết việc này như thế nào, làm gì để mọi người làm việc và thỏa sức cống hiến cho doanh nghiệp?
Trong suốt quá trình làm việc và quản lý Công ty, cách tôi đã thực hiện đối với các nhân viên của mình là: Khoán. Một khi mình đã chọn họ đồng hành với mình thì cần có sự tin tưởng, tôi giao việc kèm theo các yêu cầu và mọi người sẽ trả về cho tôi kết quả. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện, giữa tôi và các nhân viên sẽ có những trao đổi thẳng thắn, cần thiết và đúng lúc, sao cho công việc đi đúng hướng và đạt kết quả tốt nhất.
Nói được, làm được. Phải cho cộng sự, nhân viên định hướng rõ và phải thực hiện được, thì đi đâu cũng được ủng hộ. Làm việc phải minh bạch và chân thành.
Bên cạnh đó, tổ chức phải có hệ thống đánh giá khách quan, trung thực, dựa trên sự minh bạch, công khai. Trong quan điểm quản trị của tôi, những người cùng làm với mình, cùng đi theo mình thì mình phải đảm bảo quyền lợi cho những người ấy.
Ðổi lại, họ cũng biết là đồng hành với mình là căng thẳng, là áp lực, đòi hỏi nhiều thứ, song qua quá trình ấy, họ sẽ trưởng thành. Quan trọng nhất là sự chân thành, khi mình thưởng hay phạt đều phải rõ ràng, tại sao thưởng, tại sao phạt.
Thành công song cũng có những lúc thất bại. Trong trải nghiệm bà từng kinh qua, đâu là bài học kinh nghiệm để đời?
Nói được, làm được. Phải cho cộng sự, nhân viên định hướng rõ và phải thực hiện được, thì đi đâu cũng được ủng hộ. Làm việc phải minh bạch và chân thành.
Khi mình đã chọn, tức là khi Công ty đã chọn bạn và bạn đã đồng ý ngồi vào vị trí này, bạn phải làm hết sức ở vị trí đó. Bạn không thích thì phải đứng lên. Và nếu bạn đã chọn thì đừng than vãn. Tập trung làm tốt việc của mình, chỉ có như vậy thì mới có thể phát triển.
Theo bà, nữ doanh nhân ngày nay có gì khác so với 10 năm trước và nhìn nhận ở tương lai thì đâu sẽ là những tố chất, yếu tố tiếp tục dẫn dắt sự thành công?
Trong thời đại ngày nay, vị thế của các nữ doanh nhân đã được nâng cao hơn rất nhiều, đồng thời nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ nhiều phía. Theo tôi, những yếu tố dẫn dắt cho sự thành công của các nữ doanh nhân có thể kể đến là tự tin, nhận thức rõ mục đích, chân thành, một chút tham vọng và kiên trì.