Vì sao doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm chưa thể tăng tốc?

(ĐTCK) Sau những tuyên bố về kế hoạch đầy tham vọng với mảng bán lẻ dược phẩm, “ông lớn” Thế giới di động, FPT Retail đang tỏ ra thận trọng trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng này. 
Thị trường bán lẻ dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Việt Nam có quy mô khoảng 6 tỷ USD, theo báo cáo của BMI Research. Thị trường bán lẻ dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Việt Nam có quy mô khoảng 6 tỷ USD, theo báo cáo của BMI Research.

Thận trọng dò đường

Sau hơn một năm chính thức bước chân vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, CTCP Đầu tư Thế giới di động cho biết, việc đầu tư kinh doanh mảng này hiện vẫn ghi nhận lỗ.

Ông Hồ Viết Đông, CEO phụ trách chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi điện thoại BigPhone ở Campuchia của Thế giới di động cho Đầu tư Chứng khoán biết: “Công ty đang đi từng bước thận trọng. Chuỗi nhà thuốc An Khang đang trong quá trình thử nghiệm để tìm ra mô hình có chi phí vừa phải, hiệu suất kinh doanh cao. Sau khi tìm được công thức chuẩn, chúng tôi sẽ nhanh chóng mở rộng chuỗi giống như cách làm với Bách Hóa Xanh”.

Ông Đông cũng khẳng định có niềm tin lớn đối với triển vọng của mảng kinh doanh này. Khi được hỏi, liệu Thế giới di động có dừng lại khi mảng này không đem lại lợi nhuận cao như các mảng cốt lõi mà Công ty đang triển khai, ông Đông thẳng thắn: “Nếu không có ý định đi lâu dài, chúng tôi sẽ không làm như những gì đã tiến hành trong hơn 1 năm qua. Thế giới di động có lợi nhuận mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng, dư sức để đầu tư vào chuỗi bán lẻ dược phẩm, nhưng chúng tôi không nóng vội trong rót vốn, mà đi từng bước chắc chắn để tìm ra được bài toán hiệu quả nhất cho tăng trưởng”.

Lúc Thế giới di động mua chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang (sau này đổi tên thành An Khang), chuỗi này đang có 7 nhà thuốc. Thế giới di động mở rộng thêm lên thành 10 nhà thuốc theo tiêu chuẩn mới, có máy lạnh, không gian rộng rãi, khách hàng được tiếp đón nhiệt tình, có nhân viên tư vấn, được mục sở thị từng sản phẩm (không phải là thuốc như thiết bị y tế, thực phẩm chức năng…). Mới đầu, kế hoạch của Thế giới di động tham vọng hơn, có thể mở tới 20 nhà thuốc vào cuối năm 2018, nhưng sau đó, tốc độ mở rộng chững lại vì nhiều yếu tố.

Tham vọng ban đầu của Thế giới di động là mở 20 nhà thuốc vào cuối năm 2018, nhưng hiện tại  mới dừng ở 10 cửa hàng.   

Lý giải về vấn đề này, ông Đông cho biết, mặt bằng là một trong những thách thức đối với doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ dược phẩm.

“Chúng tôi muốn làm tốt, nhưng bài toán kinh doanh luôn đi đôi với hiệu quả kinh doanh. Đến với nhà thuốc An Khang, khách hàng được trải nghiệm, tìm hiểu kỹ từng mặt hàng thuốc và được tư vấn nhiệt tình của các nhân viên có chuyên môn. Tuy nhiên, chúng tôi chịu chi phí mặt bằng cao vì thuê diện tích rộng, chạy máy lạnh, cơ sở thiết bị hiện đại, mua thuốc giá đầu vào cao hơn, có đầy đủ chứng từ, thuế, chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, hệ thống quy củ hơn nên giá bán ra cũng cao hơn thị trường (các nhà thuốc tư nhân) và lợi nhuận cũng thấp hơn”.

Cũng như Thế giới di động, doanh nghiệp cùng ngành là FPT Retail khi đặt chân vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tài chính để đi thử nghiệm mô hình thành công cho lĩnh vực này. Thử nghiệm mở nhà thuốc ở gần chợ, gần bệnh viện, gần khu dân cư đông đúc…, sau nhiều lần và tốn nhiều chi phí, FPT Retail cũng tìm ra được địa điểm kinh doanh hợp lý, tối ưu doanh thu và lợi nhuận.

Chi phí đầu tư một nhà thuốc Long Châu tại TP.HCM bằng khoảng 70% chi phí của một cửa hàng FPT Shop. Hiện hàng tồn kho tại Long Châu gấp 1,5 lần chi phí đầu tư.

Theo thông tin được bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO FPT Retail chia sẻ, hiện tại, FPT Retail đã tìm ra được công thức đúng tại địa bàn TP.HCM, từ đó có sự tự tin để triển khai hàng loạt cửa hàng.

Năm 2019, FPT Retail đặt mục tiêu doanh thu từ chuỗi Long Châu đạt 500 tỷ đồng với 70 cửa hàng. Các cửa hàng mở rải rác trong năm và có kích cỡ khác nhau. 

“Bán thuốc không như bán điện thoại”

Nhìn nhận về câu chuyện “ông lớn” ngành bán lẻ mới gia nhập thị trường bán lẻ dược phẩm không đi nhanh được, ông Mai Hải Ninh, chủ của chuỗi nhà thuốc “Thuốc và sức khỏe” cho rằng: “Bán thuốc không như bán điện thoại. Bởi điện thoại chỉ có vài sản phẩm, còn thuốc lên tới hàng nghìn tên thuốc, đòi hỏi quản lý phức tạp hơn”.

Theo ông Ninh, đã có doanh nghiệp lớn nhảy vào lĩnh vực dược phẩm, mời gọi rất nhiều dược sỹ từ các công ty dược phẩm về, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, nhiều người đã phải bỏ việc vì áp lực quản lý bán lẻ thuốc rất khác.

Đây cũng là lý do các doanh nghiệp bán lẻ thận trọng khi bước chân vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, theo ông Hồ Viết Đông, mô hình chuỗi bán lẻ thuốc chỉ có lợi nhuận khi mở ra số lượng chuỗi lớn, tăng sức mua. Khi đó, các nhà cung cấp sẽ có chính sách giá tốt hơn đối với nhà thuốc. Quy mô vài chục cửa hàng hiện nay không thể đem lại lợi nhuận tốt.

“Chúng tôi có bước đi rõ ràng và mở rộng trải nghiệm không gian mua thuốc, chăm sóc sức khỏe từ thuốc tại TP.HCM trước tiên. Mục tiêu đến cuối năm 2019, sẽ có khoảng 20 - 30 cửa hàng thuốc An Khang có mặt trên thị trường. Việc cần làm của An Khang hiện nay là tìm ra một công thức kinh doanh hiệu quả, từ mặt bằng, nhận diện thương hiệu, đến chi phí cho các bộ phận để nâng cao hiệu suất kinh doanh. Khi chúng tôi có công thức, tốc độ mở rộng sẽ nhanh, mạnh hơn”, ông Đông nói.

FPT Retail dự tính năm 2019 chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ lỗ khoảng 20 tỷ đồng, đến năm 2020 hòa vốn và phải tới năm 2021 mới có lợi nhuận đầu tiên từ mảng kinh doanh này. Dù lên kế hoạch mở rộng chuỗi trong năm nay, nhưng các bước đi của nhà bán lẻ này vẫn theo hướng thận trọng. 

Dư địa lớn, cạnh tranh cũng lớn

Báo cáo của BMI Research về ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam cho thấy, thị trường dược phẩm năm 2017 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2016. BMI cũng dự báo mức tăng trưởng của ngành này trong hai năm 2018 - 2019 đạt trên 10%.

Ngành bán lẻ dược phẩm hiện được phân chia thành ba kênh: bệnh viện, phòng khám và các nhà thuốc. Theo một thống kê của Bộ Y tế, phần lớn thuốc đang được phân phối ở các nhà thuốc đơn lẻ, chiếm tỷ lệ khoảng 65 - 70% lượng thuốc được tiêu thụ trên thị trường. Phần còn lại được phân phối tại các bệnh viện, phòng khám. Đặc điểm này giống như thị trường điện thoại di động và các thiết bị điện tử khoảng mười năm trước… Vì vậy, đây là thị trường hấp dẫn nhiều doanh nghiệp lớn.

Hiện trên cả nước đã hình thành một số hệ thống bán lẻ dược phẩm như Phano, Pharmacity, Long Châu, Minh Châu, Phúc An Khang, Eco, Medicare… Mới đây, các doanh nghiệp tên tuổi đã thành công trong các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản cũng chính thức gia nhập thị trường này như Thế giới di động, FPT Retail, Vingroup…

Các "ông lớn" này đặt nhiều tham vọng vào thị trường bán lẻ dược phẩm. FPT Retail cho biết, dược phẩm là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nên Công ty đề ra định hướng phát triển ngành này một cách quy hoạch và có kiểm soát bài bản như trong vận hành hệ thống bán lẻ điện tử. Theo đó, Công ty sẽ tập trung xây dựng mảng hậu cần logistic, tăng số lượng nhà thuốc, phát triển đội ngũ nhân sự có trình độ quản lý và chuyên môn.

FPT Retail kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong vòng 5 năm tới; đồng thời, mảng dược sẽ đóng góp khoảng 40% vào tổng doanh thu của FPT Retail với mức doanh thu dự kiến đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.

Pharmacity, chuỗi bán lẻ dược phẩm đã thành lập khoảng 7 năm hoạt động tại TP.HCM hiện có hơn 100 cửa hàng. Đây là chuỗi cửa hàng bán lẻ thuốc lớn nhất cả nước. Ông Christopher Blank, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Pharmacity đánh giá, thị trường nhà thuốc bán lẻ tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn. Pharmacity liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng trong vòng 7 năm qua.

Vingroup cũng đã chính thức bước chân vào thị trường bán lẻ dược phẩm với thương hiệu Vinfa. Mới đây, Vinfa đã ký kết hợp tác với Tập đoàn DKSH trong việc nhập khẩu dược phẩm để cung cấp ra thị trường, tìm kiếm các nhà sản xuất dược phẩm công nghệ cao trên thế giới để đưa về sản xuất tại Việt Nam; đồng thời hướng tới xuất khẩu thuốc nội.

Thị trường bán lẻ dược phẩm được nhận định có tiềm năng lớn khi thu nhập của người dân tăng lên, chi tiêu cho khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tăng lên. Dẫu vậy, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, sức ép cạnh tranh trên thị trường cũng nóng dần lên.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục