Forbes Việt Nam mới đây đã chính thức công bố danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 bao gồm các gương mặt phụ nữ nổi bật trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, khoa học giáo dục, hoạt động xã hội, truyền thông, nghệ thuật, sáng tạo và thể thao.
Trong lần bình chọn này, kinh doanh vẫn là lĩnh vực tiếp tục có sự đóng góp của nhiều gương mặt nhất, với 20 nữ lãnh đạo hàng đầu. Đây cũng là đặc tính của thương hiệu Forbes vốn tập trung vào mảng kinh doanh và kinh tế. So với các danh sách trước, có 30% là gương mặt mới lần đầu tiên có mặt.
“Có những nữ lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu liên tục có mặt trong các danh sách của Forbes Việt Nam từ trước tới nay, như bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk; bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch REE; bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ… Điều này thể hiện bản lĩnh, sự bền bỉ cũng như tầm ảnh hưởng lớn của những nữ doanh nhân hàng đầu này”, đại diện Forbes Việt Nam cho biết.
Đồng thời, trong danh sách năm nay còn xuất hiện những gương mặt mới trong kinh doanh như bà Nguyễn Bạch Điệp (Tổng giám đốc FPT Retail); bà Trần Thị Đào (Tổng giám đốc Imexpharm); bà Trần Thị Lâm (Chủ tịch Hoa Lâm); bà Trần Kim Liên (Chủ tịch Vinaseed); bà Lê Hồng Thủy Tiên (Tổng giám đốc IPP) và bà Nguyễn Anh Tuyền (Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam).
Theo đó, nhiều người tỏ ra bất ngờ vì không có sự xuất hiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, một nữ doanh nhân “gây bão” truyền thông và mạng xã hội trong suốt một năm qua. Trên khắp các diễn đàn, các cuộc tranh luận liên quan đến vợ - chồng ông Vũ, bà Thảo vẫn chưa hết “nóng”.
Cùng với chồng là “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nắm những vai trò chủ chốt tại tập đoàn Trung Nguyên. Cuộc tranh chấp khối tài sản gần 8.000 tỷ đồng trong quá trình ly hôn của bà Thảo với ông Vũ vướng mắc tại phần phân chia cổ phần Trung Nguyên và có ảnh hưởng lớn đến sự chi phối điều hành đối với tập đoàn này về sau.
Ngoài ra, theo xác minh của toà án, vào thời điểm 2015-2016, bà Thảo đứng tên khoản tiền mặt tại các ngân hàng lên tới 654,2 tỷ VND; 9,3 triệu EUR; 2,3 triệu GBP (bảng Anh); 28,9 triệu USD; 5,1 triệu AUD (đô la Australia) và 10.000 lượng vàng.
Sau khi xảy ra mâu thuẫn với ông Vũ và Trung Nguyên vào năm 2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn sáng lập thương hiệu cà phê riêng là King Coffee tại Mỹ vào tháng 10/2016. Đến tháng 7/2018, giữa lúc “cuộc chiến ly hôn” đang căng thẳng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đưa King Coffee về Việt Nam với cửa hàng đầu tiên nằm tại thành phố Pleiku.
Như vậy, không thể phủ nhận về quyền lực trên thương trường và mức độ giàu có của bà Thảo. Tại phiên xét xử, sau khi được khuyên lui về gia đình không tham gia việc công ty, bà Thảo cũng ý thức rằng: “Bản thân tôi cũng là doanh nhân có tiếng không chỉ trong nước và cả nước ngoài”.
Tuy nhiên, theo giải thích về phương pháp đánh giá của Forbes Việt Nam, đơn vị này cho biết áp dụng phương pháp đánh giá của Forbes sử dụng cho danh sách Phụ nữ quyền lực thế giới hàng năm, có điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh và môi trường Việt Nam.
Theo đó Forbes Việt Nam xếp hạng nhân vật dựa vào các tiêu chí về ảnh hưởng tài chính, tầm ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng tích cực. Với những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, Forbes Việt Nam xem xét thị phần, doanh số và lợi nhuận của công ty hoặc cá nhân họ thu về trong năm 2018.
Trên thị trường chứng khoán ngày 6/3, những mã cổ phiếu liên quan tới các nữ doanh nhân được xếp hạng “gây ảnh hưởng nhất Việt Nam” có diễn biến trái chiều. Cụ thể, VNM của Vinamilk giảm 1.000 đồng, PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm 200 đồng… Song REE của Cơ điện lạnh lại tăng 750 đồng, VJC của VietJet tăng 1.000 đồng.
Chỉ số chính VN-Index phần lớn thời gian nằm trong vùng giá đỏ, song cuối phiên đã hồi phục mạnh, ghi nhận mức tăng 2,04 điểm tương ứng 0,21% lên 994,49 điểm. Thanh khoản sàn HSX đạt 250,92 triệu cổ phiếu tương ứng 5.104,41 tỷ đồng.
Trên HNX, chỉ số cũng tăng 0,23 điểm tương ứng 0,21% lên 108,48 điểm. Thanh khoản đạt 48,56 triệu cổ phiếu tương ứng 502,66 tỷ đồng.