Ngược chiều tăng trưởng lợi nhuận
Với 2 quý cuối năm tăng trưởng tích cực, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã báo cáo lợi nhuận sau thuế cả năm 2024 đạt 685,2 tỷ đồng, gần gấp đôi lợi nhuận năm 2023. Doanh thu thuần Vinatex đạt 17.361 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,4%, nhưng biên lợi nhuận được cải thiện đáng kể nhờ giá vốn hàng bán chỉ nhích nhẹ 1,3%, đưa về kết quả tích cực cho cả năm 2024.
Vinatex cho biết, trong quý IV/2024, thị trường phục hồi tốt. Ngành may có sự cải thiện về giá và số lượng đơn hàng do tận dụng được sự dịch chuyển từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar. Ngành sợi vẫn còn khó khăn, song nhiều thời điểm Tập đoàn vẫn chốt được giá bông, sợi tốt. Cùng với đó, Tập đoàn cũng đã linh hoạt trong lựa chọn cơ cấu mặt hàng và quản trị sản xuất, đưa hiệu quả tăng cao.
Tương tự với Tổng công ty May Nhà Bè, sau nửa đầu năm trầm lắng, doanh nghiệp này bứt phá mạnh mẽ trong 2 quý cuối năm 2024. Quý III và quý IV/2024, May Nhà Bè đạt khoảng 47 tỷ đồng lợi nhuận mỗi quý, tăng trưởng rõ rệt so với khoản lãi 3-4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Cả năm 2024, doanh thu thuần của May Nhà Bè đạt 4.650 tỷ đồng, tăng 24% và lợi nhuận sau thuế đạt 127,8 tỷ đồng, gấp gần 4 lần kết quả năm 2023.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mục tiêu năm 2025 là kim ngạch xuất khẩu ngành đạt 47 - 48 tỷ USD và thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày. Từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa đạt 51 - 55% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 56 - 60% trong giai đoạn 2026 - 2030.
Nhiều công ty khác trong ngành cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trên 50%. Như Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đạt 278 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 107%; Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đạt 362 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 89%; các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty cổ phần May Sông Hồng, Tổng công ty Việt Thắng đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Nửa cuối năm tích cực đã giúp đưa mặt bằng kinh doanh của ngành dệt may đi lên. Tuy nhiên, trong bức tranh chung của ngành, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thoát khỏi vùng lỗ.
Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) là một doanh nghiệp như vậy. Biên lợi nhuận gộp dù đã được cải thiện rõ rệt trong quý IV/2024, nhưng chi phí, bao gồm chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, vẫn là gánh nặng của công ty dệt may này. Tính cả năm 2024, Hanosimex lỗ hơn 79 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 2 thua lỗ liên tiếp. Hiện lỗ lũy kế của Hanosimex đã lên mức 169 tỷ đồng.
Năm 2024 cũng đánh dấu năm thua lỗ đầu tiên của Công ty cổ phần Everpia (EVE) từ khi lên sàn đến nay. Năm qua, doanh thu toàn Công ty đạt 741 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2023. Theo đó, việc doanh thu thuần giảm, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 45%, trong khi chi phí bán hàng tăng 5%, lên 176 tỷ đồng, đã khiến doanh nghiệp này thua lỗ hơn 30 tỷ đồng năm 2024.
Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn, Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định hay Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân vẫn tiếp tục góp mặt vào danh sách thua lỗ trong năm vừa qua.
Tìm lợi thế trong thách thức
Nhìn chung, dệt may vẫn là một trong những ngành được đặt kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2025 nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường trọng điểm phục hồi và kỳ vọng tác động từ chính sách thuế mới dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng dệt may Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn trong việc giành thêm các đơn hàng từ Trung Quốc trong trường hợp nước này bị tăng mức thuế cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, tác động kép cũng có thể xảy ra, tạo nên rủi ro đối với doanh nghiệp Việt khi có khả năng bị ép giá đơn hàng bởi mức thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng cao.
Bên cạnh thách thức, phải tranh thủ được làn sóng dịch chuyển đơn hàng, các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn đang đối diện nhiều bài toán khó. Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) đã chỉ ra những áp lực đối với ngành hiện tại.
Thứ nhất là việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Tỷ trọng nhập khẩu các nguyên phụ liệu đều tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu chính của Việt Nam là Trung Quốc. Đây sẽ là rào cản lớn cho các cơ hội hiện có của ngành dệt may.
Thứ hai là việc giám sát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ. Các quốc gia thuộc các hiệp định thương mại tự do đều là những thị trường khó tính, áp dụng quy tắc yarn-forward (yêu cầu tỷ trọng nội địa từ nguyên liệu sợi trở đi). Trong khi đó, các nguyên phụ liệu may của Việt Nam hầu hết đều đến từ nguồn nhập khẩu. Đặc biệt, trong thời gian tới, Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam - sẽ áp thuế lên các mặt hàng có nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thứ ba là yêu cầu khắt khe từ các nước thuộc các hiệp định thương mại tự do. Đứng trước cơ hội lớn, nhưng Nam vẫn có những hạn chế khi chưa đáp ứng được 100% các yêu cầu khắt khe từ xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa ngành dệt may, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng chưa được đáp ứng, chi phí sản xuất cao.
Doanh nghiệp Việt cũng đứng trước bối cảnh cạnh tranh với những đối thủ khác như Trung Quốc - dẫn đầu về sản xuất sợi và vải, có lợi thế lớn về nguồn lực lao động với chi phí thấp, trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu; Bangladesh có chi phí nhân công rẻ, chính sách hỗ trợ từ chính phủ về ưu đãi thuế suất, kết nối với các đối tác lớn tại EU như HM, Zara,...; Ấn Độ - tự cung các loại vải, sợi tự nhiên, bông... Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất.