Nhiều thách thức trong thời gian tới
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng dệt may tháng 9/2024 tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2,98 tỷ USD. Tính chung cả 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch đạt trên 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Với vị trí là một trong ba nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, sử dụng hơn 2 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng đạt từ 3,5 - 4 tỷ USD, hiện ngành dệt may Việt Nam đang tận dụng tối đa các cơ hội từ những biến động trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (AGTEK) cho rằng, ngành dệt may Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia vào chuỗi thứ ba của chuỗi cung ứng hàng dệt may, với phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung ứng trọn gói và yếu kém liên kết trong khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu và phân phối.
“Nguyên nhân là do, khách hàng yêu cầu thiết kế phải đảm bảo sản phẩm phù hợp với thị trường và người tiêu dùng. Việt Nam lại chưa có môi trường đào tạo và phát triển chuyên nghiệp như quốc tế để đạt đến trình độ này. Do đó, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn hẹp, giới hạn trong khuôn khổ gia công. Chuỗi giá trị dệt may còn chịu ảnh hưởng của người mua, việc tạo ra sản phẩm cuối cùng trải qua nhiều giai đoạn và hoạt động sản xuất thường diễn ra ở nhiều quốc gia”, ông Việt chia sẻ.
Thứ hai, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm bền vững đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Việc thay đổi chiến lược sản xuất từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững, phát triển chuỗi cung ứng, tăng cường liên kết vùng, tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ cao… để tạo ra bước đột phá là điều cấp thiết.
Song song đó, ngành dệt may hiện nay có khoảng 11.000 doanh nghiệp, sau dịch Covid-19 và những biến động của nền kinh tế, con số này giảm còn 5.000 doanh nghiệp vừa và lớn. Số còn lại đang tìm hướng đi mới hoặc vực dậy doanh nghiệp sau khó khăn.
Trong 5.000 doanh nghiệp này, có khoảng 15% doanh nghiệp thành công ứng dụng công nghệ, đảm bảo nguồn nguyên liệu và hướng đến sản xuất bền vững. Số lượng doanh nghiệp còn lại gặp khó với nguồn tài chính đầu tư, thiếu khả năng khai thác hết hiệu quả của công nghệ, chưa đồng bộ hoá chuỗi cung ứng…
“Dệt may Việt Nam chưa có đủ điều kiện và cơ hội để được tham gia và được thừa nhận. Nguyên nhân gốc rễ vẫn do mảng thiết kế và phát triển thiết kế của doanh nghiệp còn quá yếu. Mặt khác, nguồn nhân lực thiết kế đào tạo chuyên nghiệp bài bản không ít nhưng môi trường hiện tại không đáp ứng cho họ phát triển và trau dồi kinh nghiệm. Ngoài ra, công nghiệp phụ trợ của ngành chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu nguyên liệu đầu vào để đủ sức sản xuất các sản phẩm thời trang mang thương hiệu Việt cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước”, ông Việt đánh giá.
Nhanh chóng cập nhật
Do đó, để vượt qua những thách thức và nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động đầu tư vào công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Để làm được điều đó, ông Việt cho rằng, ngành dệt may Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần phát triển ngành công nghiệp thời trang vươn tầm ra thế giới, giai đoạn năm 2030-2045.
Vì vậy, AGTEK đã đề xuất thành lập Trung tâm thời trang trong 7 năm qua. Hiện Chính phủ đã có chủ trương và mới đây, TP.HCM đã yêu cầu Sở Công thương phối hợp với Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM tìm vị trí phù hợp để quy hoạch thành lập Trung tâm thời trang.
Theo đó, trung tâm sẽ có 4 chức năng: Cung cấp nguồn nhân lực, cung cấp nguồn nguyên phụ liệu, thương mại sản phẩm thời trang và có bảo tàng lưu giữ giá trị của ngành. Việc thành lập trung tâm đa chức năng này tại TP.HCM sẽ góp phần rất lớn trong việc giải quyết “vòng luẩn quẩn” trong phát triển ngành dệt may.
Cụ thể, Trung tâm thời trang với hoạt động trọng tâm là thiết kế, giới thiệu sản phẩm, trao đổi cập nhật kiến thức thực tiễn với chuyên gia quốc tế ngay tại Việt Nam, tạo nguồn cảm hứng, nhận thức và sự kết hợp hài hòa giữa xu hướng thời trang trong nước và ngoài nước…
“Dù bắt đầu khá chậm nhưng đây là tín hiệu tích cực và đã có hành động cụ thể để nâng cao vai trò của ngành thời trang Việt Nam. Đây cũng là một bước tiến vô cùng quan trọng làm nền tảng, cơ hội và động lực để doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiếp lên một vị trí mới trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. Chúng ta sẽ thay đổi chiến lược sản xuất từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững, phát triển chuỗi cung ứng, tăng cường liên kết vùng, tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ cao để tạo ra bước đột phá, mở ra tiền đề mới cho quá trình sản xuất, định vị lại ngành thời trang trong tương lai”, ông Việt kỳ vọng.
Do đó, theo Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, rất cần chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để hỗ trợ ngành dệt may nói chung và doanh nghiệp tại TP.HCM nói riêng. Đặc biệt là hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu thời trang mang tầm thương hiệu quốc gia để gia tăng tỷ lệ chuyển đổi, từ nhận diện thương hiệu sang sử dụng thương hiệu, tạo vị thế vững chắc cho thương hiệu Việt Nam.