Nộp thuế chứng khoán, chọn cách nào?

(ĐTCK-online) Từ ngày 1/1/2010, NĐT là cá nhân bắt đầu thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ kinh doanh chứng khoán, nhưng không ít NĐT vẫn băn khoăn chưa biết chọn cách nào: nộp khoán 0,1% trên tổng giá trị chứng khoán chuyển nhượng hay 20% trên lãi thực nhận trong năm?
Cách tính thuế theo tỷ lệ 20% thu nhập ròng từ kinh doanh chứng khoán phản ánh đúng bản chất thuế. Ảnh minh họa: Đức Thanh. Cách tính thuế theo tỷ lệ 20% thu nhập ròng từ kinh doanh chứng khoán phản ánh đúng bản chất thuế. Ảnh minh họa: Đức Thanh.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Tuấn, Giám đốc Tư vấn thuế, Công ty TNHH Tư vấn thuế Deloite Việt Nam xung quanh vấn đề này.

 

Ông có thể cho biết ưu và nhược điểm của mỗi cách tính thuế TNCN từ kinh doanh chứng khoán đối với NĐT cá nhân?

Cách tính và nộp thuế TNCN theo tỷ lệ ấn định 0,1% có đặc điểm là nhanh, thuận lợi, NĐT không phải mất nhiều thời gian kê khai, quyết toán thuế. Cách này tạo sự đơn giản về thủ tục, nhưng chưa thực sự thể hiện đúng bản chất của việc tính thuế TNCN và có thể gây ảnh hưởng tâm lý nếu NĐT kinh doanh chứng khoán bị lỗ mà vẫn phải tính và nộp thuế.

Cách tính và nộp thuế TNCN theo tỷ lệ 20% thu nhập ròng là phù hợp và thuận lợi đối với NĐT kinh doanh chứng khoán có danh mục đầu tư lớn, giao dịch nhiều, liên tục. NĐT chỉ phải tính toán, bù trừ lãi lỗ các giao dịch trong năm và kê khai quyết toán một lần cho cả năm.

Có một điểm mà NĐT cần lưu ý là NĐT phải đăng ký phương pháp nộp thuế với cơ quan thuế từ đầu năm. Nếu không đăng ký nộp theo phương pháp tính trên thuế suất toàn phần 20% thì cơ quan thuế sẽ tính và thu theo cách còn lại.

 

Thông lệ trên thế giới thì sao, thưa ông? NĐT thường lựa chọn nộp thuế dựa trên lợi nhuận thu được hay nộp một tỷ lệ trên giá trị chuyển nhượng giống như một hình thức khoán?

Tại nhiều quốc gia phát triển, với hệ thống quản lý tiền tệ, quản lý thuế tốt, thì thông thường thu nhập từ kinh doanh chứng khoán và thu nhập khác ngoài tiền lương, tiền công được tính gộp vào tổng thu nhập chịu thuế và áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần như Việt Nam đang áp dụng cho thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Một số nước vẫn áp dụng biểu thuế suất toàn phần với thuế suất từ 20% đến 25% đối với thu nhập ròng từ kinh doanh chứng khoán. Cách tính này phản ánh đúng bản chất của thuế là chỉ tính và thu khi phát sinh thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này, NĐT cần tự giác, chủ động trong việc thu thập tài liệu liên quan đến giao dịch, quản lý chứng từ liên quan đến các giao dịch chứng khoán.

 

Vừa qua, một số DN thực hiện đầu tư tài chính đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán do thị trường suy giảm, đặc biệt là đối với các cổ phiếu OTC. Tuy nhiên, cơ quan thuế lại không chấp nhận khoản trích lập đó là chi phí hợp lệ khi tính thuế thu nhập DN. Vì sao lại như vậy, thưa ông?

Nộp thuế chứng khoán, chọn cách nào? ảnh 1
Ông Bùi Ngọc Tuấn

Trước hết, cần khẳng định rằng, các CTCK không được phép trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán từ việc thực hiện nghiệp vụ tự doanh. Các DN, tổ chức kinh tế thông thường có đầu tư chứng khoán bên ngoài thì thuộc đối tượng được phép trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán tại thời điểm cuối năm.

Về nguyên tắc, cơ quan thuế khi kiểm tra tính thuế bao giờ cũng căn cứ trên số liệu và hồ sơ chứng từ mang tính hợp lý, hợp lệ, hợp pháp cho mục đích thuế. Cổ phiếu OTC trên thị trường hiện nay có các hình thức giao dịch chính thức hoặc không chính thức. Đối với cổ phiếu OTC có đăng ký giao dịch chính thức trên Sở GDCK Hà Nội (thị trường UPCoM) thì việc có chứng từ hợp lý cho việc thực hiện giao dịch là hợp lệ và xác định được. Trong trường hợp đó, khi có dấu hiệu giảm giá chứng khoán thì các thông tin về dự báo giảm giá có thể tham khảo được từ Sở và đủ điều kiện để cơ quan thuế chấp thuận. Tuy nhiên, đối với cổ phiếu OTC được giao dịch không chính thức (không đăng ký giao dịch tại UPCoM) thì thông tin về giảm giá chứng khoán để trích lập dự phòng khó có căn cứ và cơ sở hợp lý để cơ quan thuế chấp thuận.

Trên thực tế, thu nhập kế toán và thu nhập tính thuế thu nhập DN luôn có sự khác biệt, khi việc hạch toán kế toán được thực hiện theo Luật Kế toán, các chuẩn mực kế toán và các quy định khác về kế toán tài chính. Trong khi đó, cơ quan thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, xác định nghĩa vụ thuế của DN căn cứ vào những quy định chặt chẽ của các luật thuế, quy định về hóa đơn chứng từ hiện hành. Do vậy, đối với các khoản dự phòng giảm giá chứng khoán, DN có thể trích lập nếu xét thấy cần thiết, nhưng nếu không đảm bảo các điều kiện theo quy định về thuế thì sẽ bị loại trừ cho mục đích tính thuế thu nhập DN.

Thanh Đoàn thực hiện.
Thanh Đoàn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,248.63 7.05 0.56% 184,256 tỷ
HNX 232.96 0.67 0.29% 1,319 tỷ
UPCOM 91.1 0.48 0.53% 934 tỷ